Trong Cách mạng Văn hóa, chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ của ĐCSTQ bị đả đảo, vợ thứ sáu của ông là Vương Quang Mỹ bị Giang Thanh đả thành “gián điệp Mỹ”, bị giam trong nhà tù Tần Thành 12 năm. Vậy Vương Quang Mỹ có tội không?
Xin chào quý vị độc giả, chào mừng đến với “Trăm Năm Chân Tướng“!
Sau khi “Cách mạng Văn hóa” nổ ra, Lưu Thiếu Kỳ, chủ tịch nước của ĐCSTQ, bị đả thành “nhân vật cầm đầu phái đương quyền đi theo con đường tư bản chủ nghĩa” và bị đả đảo, sau đó bị bức hại đến chết. Vợ của ông, Vương Quang Mỹ, cũng bị giam trong nhà tù Tần Thành trong 12 năm.
Tội trọng của Vương Quang Mỹ có đúng hay không, hay là bị vu khống hãm hại? Hôm nay chúng tôi sẽ cùngi quý vị tìm hiểu sự kiện này.
Vợ thứ sáu của Lưu Thiếu Kỳ
Vương Quang Mỹ là bà vợ thứ sáu của Lưu Thiếu Kỳ. Trước bà, Lưu Thiếu Kỳ và người vợ đầu Chu Thị là một cuộc hôn nhân sắp đặt. Lưu và bà vợ thứ hai, Hà Bảo Trinh (còn được gọi là Hà Bảo Trân), có với nhau ba con, hai trai một gái là Lưu Doãn Bân, Lưu Doãn Nặc và Lưu Ái Cầm. Năm 1934, Hà Bảo Trinh bị giết vì tham gia các hoạt động đảng ngầm của ĐCSTQ. Người vợ thứ ba của Lưu, Tạ Phi, là một Hoa kiều, hai người không có con, và sau đó ly hôn; Người vợ thứ tư của Lưu là Vương Tiền, một nữ y tá trong Tân tứ quân, có với nhau hai con một trai một gái là Lưu Doãn Chân và Lưu Đào, sau đó ly dị; Người vợ thứ năm của Lưu là Vương Kiện, được cho là mắc bệnh tâm thần nhẹ, hai người đã chia tay không lâu sau khi kết hôn.

Ngày 21 tháng 8 năm 1948, Vương Quang Mỹ 27 tuổi và Lưu Thiếu Kỳ 50 tuổi kết hôn tại Tây Bách Pha. Sau khi kết hôn, Vương Quang Mỹ được điều động từ Tổ Đối ngoại của Quân ủy Trung ương ĐCSTQ đến Văn phòng Tổng hợp của Ủy ban Trung ương để làm thư ký của Lưu Thiếu Kỳ. Bà sinh được một trai ba gái – con trai Lưu Nguyên, con gái Lưu Bình Bình, Lưu Đình Đình và Lưu Tiêu Tiêu.
Bị giam ở Tần Thành 12 năm
Năm 1966, Mao Trạch Đông phát động “Cách mạng Văn hóa”, một trong những mục tiêu là lật đổ Lưu Thiếu Kỳ, do đó Lưu Thiếu Kỳ nhanh chóng xảy ra chuyện. Tất nhiên, Vương Quang Mỹ cũng không tránh khỏi lâm nạn.
Sau hàng loạt cuộc phê đấu, công khai sỉ nhục trước công chúng, vào ngày 8 tháng 9 năm 1967, Khương Sinh, một “chuyên gia chỉnh nhân”, cố vấn của tiểu Tổ Cách mạng Văn hóa Trung ương, đã đích thân viết một báo cáo về việc bắt giữ Vương Quang Mỹ, nói rằng bà ta là “một đặc vụ của Cơ quan Tình báo Chiến lược Mỹ, đặc vụ Nhật Bản và Tưởng Giới Thạch”. Vợ của Mao Trạch Đông, Giang Thanh, tổ phó tiểu Tổ Nhóm Cách mạng Văn hóa Trung ương, đã ký vào báo cáo.
Năm ngày sau, vào sáng sớm ngày 13 tháng 9, một chiếc xe jeep quân sự chạy đến nơi ở của Vương Quang Mỹ ở Trung Nam Hải, một số vị khách không mời nhảy xuống xe xông vào nhà, chính thức tuyên bố bắt giữ Vương Quang Mỹ.

Hai tháng sau, Vương Quang Mỹ bị giam trong Nhà tù Tần Thành, tù hiệu 67130, với tội danh đặc vụ chiến lược cấp cao tiềm phục trường kỳ của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ.
Theo hồi ức của Vương Quang Mỹ, bà bị biệt giam trong phòng giam bẩn thỉu và ẩm thấp, tường bích mốc meo. Bình thường bà phải ngồi, mặt quay ra cửa, không thể dựa vào tường. Có lúc bà chỉ ngồi đó, vò rối mái tóc của mình, lính gác lập tức bước đến và hỏi: “Trong tay bà có gì?”. Bà thường không biết hôm nay là ngày gì, chỉ nhìn qua lỗ giám sát trên cửa trại giam để biết trời nhiều mây hay có nắng… Vương Quang Mỹ hồi ức nói: “Bị theo dõi cả trong phòng vệ sinh, là điều khiến người ta cảm thấy tủi nhục nhất.” Cuộc sống cứ như vậy, kéo dài suốt 12 năm.
Ngày 13 tháng 9 năm 1971, Lâm Bưu, người kế nhiệm Lưu Thiếu Kỳ và trở thành nhân vật số hai trong ĐCSTQ, chết trong một vụ tai nạn máy bay. Lưu Đình Đình đã viết thư cho Mao Trạch Đông yêu cầu được gặp cha mẹ mình. Sau khi Mao nhận được thư, ông ta chỉ thị: Cha đã chết, có thể được gặp mẹ.
Vào ngày 18 tháng 8 năm 1972, Lưu Đình Đình và bốn đứa con khác cuối cùng đã gặp được Vương Quang Mỹ, người đã bị cách ly gần 5 năm trong giám ngục Tần Thành.
Lưu Đình Đình sau này trong một chương trình phỏng vấn hồi ức lại: “Lúc đó, mẹ tôi so với hình ảnh trong ấn tượng xưa của tôi đã hoàn toàn đổi khác. Khi chúng tôi rời xa bà, trông bà cao lớn, sang trọng, dịu dàng nho nhã. Khi chúng tôi gặp lại, bà mặc một chiếc áo độn đen, lưng đã còng xuống, tóc bạc trắng, phản ứng có chút chậm chạp, bởi vì ở một mình đã lâu. Chúng tôi nghĩ cố gắng không khóc, nhưng cuối cùng khi chia tay, vẫn không thể kìm được.”
Mãi đến lúc đó, Vương Quang Mỹ mới biết Lưu Thiếu Kỳ đã chết từ ba năm trước.
Lưu Đình Đình cũng kể lại rằng, khi Vương Quang Mỹ ở trong tù, “Lúc điều kiện tốt, căn phòng cũng chỉ rộng 6 mét vuông. Bà trong đó đấm bốc rèn luyện thân thể – thân thể đã còng xuống, giống như khỉ đấm bốc, căn bản không thể duỗi ra được. Bà cũng nói chuyện với bức tường, người ta nói bà có bệnh, bà nói: ‘Tôi rất hy vọng họ sẽ thẩm vấn tôi, bởi vì nếu ai đó thẩm vấn tôi thì ít nhất cũng có người nói chuyện với tôi, nếu không tôi cảm thấy tôi sẽ thậm chí không thể nói được nữa.’”
Vương Quang Mỹ có phải là đặc vụ Mỹ không?
Tại sao Vương Quang Mỹ đột nhiên bị đả thành đặc vụ Mỹ?
Trường cũ của Vương Quang Mỹ, Đại học Công giáo Phụ Nhân, ban đầu là Hiệp hội Công giáo Phụ Nhân do Tòa thánh Rome ở Trung Quốc thành lập, sau đó đổi thành Đại học Công giáo Phụ Nhân.
Theo cuốn sách “Hưng vong của ‘Tứ nhân bang’”, vào năm 1949, đơn vị pháo cao xạ của Quân đội ĐCSTQ đóng quân tại Khánh Vương phủ ở Bắc Bình, đối diện là Đại học Công giáo Phụ Nhân. Lúc đó, trong Đại học Công giáo Phụ Nhân xác thực có đặc vụ, những thông tin tình báo của họ phát ra liên quan đến bộ đội pháo cao xạ của ĐCSTQ đã bị cắt đứt.
Trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, một thủ đoạn chỉnh nhân trọng yếu là gán cho người ta mác đặc vụ. Từ Bắc Kinh cho đến khắp cả nước, trào lưu truy bắt đặc vụ đang thịnh hành. Giang Thanh muốn đả Vương Quang Mỹ thành đặc vụ nên đã đưa ra lập luận: Vì Đại học Công giáo Phụ Nhân có đặc vụ, nên Vương Quang Mỹ cũng có thể là đặc vụ, lấy danh nghĩa phiên dịch viên đột nhập vào nội bộ ĐCSTQ, kết hôn với lãnh đạo ĐCSTQ Lưu Thiếu Kỳ, lấy thông tin cơ mật tối cao của ĐCSTQ. Logic này rất phi lý, nhưng trong thời đại của sự phi lý, thì nó bất chấp. Được Giang Thanh thụ ý, “Tổ chuyên án Vương Quang Mỹ” bắt đầu tìm kiếm cái gọi là “chứng cứ đặc vụ”.

Vào ngày 15 tháng 7 năm 1967, Dương Thừa Tộ, giáo sư Đại học Nhân dân Trung Quốc, và vợ của ông là Viên Thiệu Anh bất ngờ bị bắt vì từng là giáo sư tại Đại học Công giáo Phụ Nhân. Thời kỳ Vương Quang Mỹ đang theo học tại Đại học Công giáo Phụ Nhân, bà đã làm quen với em gái của Viên Thiệu Anh và thường xuyên đến nhà giáo sư Dương. Em trai của Viên Thiệu Anh, Viên Thiệu Văn, đang nghiên cứu công nghiệp hàng không tại Mỹ. Trong con mắt của tổ chuyên án, đây là một “manh mối quan trọng”. Họ cảm thấy, công nghiệp hàng không là một “công nghiệp quân sự”, vì vậy Viên Thiệu Văn có thể là “đặc vụ Mỹ”. Nếu đúng như vậy, vợ chồng Dương Thừa Tộ cũng có thể là “đặc vụ Mỹ”. Vương Quang Mỹ thường đến nhà Dương, vì vậy bà ta cũng có thể đã tham gia “Tổ chức đặc vụ Mỹ”.
Đương thời, giáo sư Dương Thừa Tộ mắc bệnh tim, xơ cứng động mạch và các bệnh khác, sau khi bị bắt, ông bị tra tấn ngày đêm, cuối cùng buộc phải thừa nhận rằng Vương Quang Mỹ là đặc vụ Tình báo trung ương Mỹ CIA.
Để chứng minh những gì Dương Thừa Tộ nói không sai, Trương Trọng Nhất, giáo sư ngoại ngữ tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh, cũng bị bắt. Khi đó, Trương Trọng Nhất đã 67 tuổi và là bệnh nhân ung thư gan giai đoạn cuối. Ông từng là quyền bí thư của Đại học Công giáo Phụ Nhân, thân thiết với vợ chồng Dương Thừa Tộ. Trong 27 ngày bị bắt, Trương Trọng Nhất đã bị thẩm vấn bất ngờ 21 lần, và cuối cùng buộc phải bịa đặt lời khai rằng Vương Quang Mỹ là gián điệp.
Giang Thanh ghen tuông phát hỏa
Vương Quang Mỹ bị chỉnh thành “đặc vụ Mỹ” rồi tống ngục vì liên quan đến Lưu Thiếu Kỳ. Tuy nhiên, còn một lý do quan trọng khác, đó là ngọn lửa ghen tuông đố kị của Giang Thanh bùng cháy.
Lưu Thiếu Kỳ từng đích thân tháp tùng Vương Quang Mỹ đi thăm 29 tỉnh, huyện và thành phố trên cả nước, đưa ra báo cáo về cái gọi là “kinh nghiệm Đào Viên”, tạo lệ vô tiền tuyệt hậu về việc một lãnh đạo ĐCSTQ công khai lăng-xê phu nhân. Từ năm 1963 đến năm 1966, Lưu Thiếu Kỳ đã sáu lần đưa Vương Quang Mỹ đi thăm nước ngoài, được tiếp đãi quy cách cao. Lưu là chủ tịch nước, còn Vương được tôn là đệ nhất phu nhân, thu hút ánh đèn sân khấu.

Giang Thanh tin rằng Mao Trạch Đông mới là lãnh đạo tối cao của ĐCSTQ, và với tư cách là vợ của Mao, bà ta mới là đệ nhất phu nhân. Tuy nhiên, đã lâu bà ta không có cơ hội công khai xuất hiện trước công chúng.
Không chỉ vậy, Mao Trạch Đông còn nhiều lần mời Vương Quang Mỹ đi bơi cùng mình. Theo “Cuộc phỏng vấn với Vương Quang Mỹ”, trong Hội nghị Lư Sơn năm 1959, sau khi Vương Quang Mỹ đi bơi cùng Mao, Mao đã giữ Vương ở lại ăn tối.
Bữa cơm đã sẵn sàng nhưng Giang Thanh vẫn chưa quay lại, sau hai lần thúc giục vẫn không thấy, Mao bèn nói: “Chúng ta ăn cơm trước đi!” Vừa ngồi xuống, Giang Thanh đã quay lại, nhìn thấy cảnh này rất không vui, lập tức tối sầm mặt, tức giận nói: “Văn chương là tôi tốt, vợ là người ta tốt!”
Sự ghen tuông của Giang Thanh cứ theo tháng ngày tích tụ, cuối cùng khi Lưu Thiếu Kỳ bị đả đảo, bà ta cũng không buông tha cho Vương Quang Mỹ.
Từng là kẻ hại người
Tất nhiên, lẫn trong hệ thống của ĐCSTQ, Vương Quang Mỹ cũng không vô tội.
Học giả nổi tiếng Tống Vĩnh Nghị từng viết, rằng trong thời kỳ Lưu Thiếu Kỳ lãnh đạo “vận động bốn thanh trừng” từ tháng 11 năm 1963 đến tháng 4 năm 1964, Vương Quang Mỹ đã lãnh đạo một đội công tác ở lại Lữ đoàn Đào Viên của công xã Lô Vương Trang, huyện Phủ Ninh, tỉnh Hà Bắc, còn tổng kết một lô kinh nghiệm, được gọi là “kinh nghiệm Đào Viên”. Kinh nghiệm này trước tiên là “phát động quần chúng”, sau đó tổ chức một “đội ngũ giai cấp”, tiếp theo tiến hành “đấu tranh đoạt quyền”.

Dưới sự xúi giục của Vương Quang Mỹ, đội công tác đã ra sức bức cung, thực hiện theo dõi, rình rập, giam giữ, tra tấn cán bộ, thậm chí cả tống tiền, lừa cán bộ cởi quần áo ra ngoài trời rét mướt; đội công tác hơi tý là rút súng uy hiếp cán bộ… Đội số bốn của Vương Quang Mỹ trụ là bạo lực nhất. Khi tranh đấu với Triệu Nhan Thần, đội trưởng đội bốn, Vương Quang Mỹ đến hiện trường, nhìn thấy Triệu Nhan Trần đang phạt quỵ, liền cổ động, nói: “Các bạn đã làm rất tốt, làm rất đúng.” “Kiên quyết ủng hộ các bạn, tiếp tục dùng biện pháp này.”
“Kinh nghiệm Đào Viên” do Vương Quang Mỹ tạo ra, đã cung cấp một hình mẫu đấu tranh giai cấp cho “Cách mạng Văn hóa” sau này.
Không lâu sau khi Cách mạng Văn hóa bắt đầu, Lưu Thiếu Kỳ quyết định cử các tổ công tác đến các trường cao đẳng và đại học. Vương Quang Mỹ được cử đến Đại học Thanh Hoa. Dưới sự chủ đạo của Vương Quang Mỹ, tổ công tác lập tức gán cho hiệu trưởng Tương Nam Tường và phó hiệu trưởng là “hắc bang”, ra lệnh cho toàn thể cán bộ, bao gồm cả chủ nhiệm và phó chủ nhiệm tổ giảng dạy và nghiên cứu, toàn bộ phải tiếp thụ phê đấu.
Người Thanh Hoa đã mô tả trường loạn đấu lúc bấy giờ là: “Từng đoàn lớn diễu phố, rất nhiều đại hội phê đấu, rất nhiều trại cải tạo lao động.” Trong số hơn 500 cán bộ của trường, có tới 70% bị đả nhập vào “Đội cải tạo lao động hắc bang”.
Vương Quang Mỹ khi chỉnh nhân rất đắc ý, cuối cùng đến lượt bản thân bị chỉnh; Giang Thanh khi chỉnh nhân không run tay, rốt cuộc cũng không thoát khỏi bị chỉnh.
Trong triết học đấu tranh của ĐCSTQ, phê đấu, quyền đấu, các loại đấu, không bao giờ chấm dứt. Một ngày nào đó khi Trung Quốc vứt bỏ những thứ này, Trung Quốc mới có cơ hội lấy lại sự bình an đã bị ĐCSTQ tước mất từ lâu.
Mời quý vị xem video gốc tại đây.
Theo Epoch Times
Mộc Lan biên dịch

DKN