Việc Hạng Vũ phân phong không công bằng đã khiến rất nhiều chư hầu phẫn nộ. Yên vương Hàn Quảng, Triệu vương Hiết, người đang khống chế nước Tề là Điền Vinh, đại tướng nước Triệu là Trần Dư v.v. đều vô cùng bất mãn đối với Hạng Vũ.
Người tức giận Hạng Vũ nhất là Lưu Bang, sau này đã mở đường cho Sở Hán chiến tranh. Vậy thì tình huống của Lưu Bang như thế nào?
Giáo sư Chương Thiên Lượng giảng, Hạng Vũ vô cùng nghi kỵ Lưu Bang. Tuy rằng ở Hồng Môn yến chưa giết được Lưu Bang, nhưng trong tâm Hạng Vũ có một sự đề phòng nhất định. Nếu phong Quan Trung cho Lưu Bang, thì rất khó khống chế, thế là Hạng Vũ đã phong cho Lưu Bang vùng đất Hán Trung (ở dưới Quan Trung).
Địa phương Hán Trung không phải Hạng Vũ chủ động phong cho Lưu Bang, mà là Lưu Bang thông qua Trương Lương, Trương Lương thông qua Hạng Bá để thỉnh cầu Hạng Vũ phong cho địa phương đó. Thế là Lưu Bang đến Hán Trung.
Khi đến Hán Trung, Lưu Bang vô cùng tức giận, bởi vì đáng ra ông nên được phong ở Quan Trung ‘800 dặm Tần Xuyên, dễ thủ khó công’, vốn là nơi đế nghiệp, nhưng hiện nay lại phải đi nơi khác, cho nên Lưu Bang vô cùng phẫn nộ. Lưu Bang tính liều mạng với Hạng Vũ, ông muốn tập hợp quân đội để một trận sống mái với Hạng Vũ.
Những thủ hạ như Chu Bột, Quán Anh, Phàn Khoái… thấy vậy liền cản Lưu Bang lại, khuyên rằng: ‘Ngàn vạn lần không được làm thế, nếu đánh Hạng Vũ, ngài sẽ chết’. Lưu Bang nói: ‘Ta làm sao chết được’. Tiêu Hà nói: ‘Nếu ngài đánh Hạng Vũ, bách chiến bách bại, không chết sao được. Tuy rằng địa phương Hán Trung không tốt (bằng Quan Trung), nhưng còn tốt hơn nhiều (so với phải chết dưới tay Hạng Vũ). Tôi khuyên ngài nên đến Hán Trung, ở đó hãy chỉnh đốn quân đội, thu phục dân tâm, tương lai sẽ có một ngày chúng ta quay lại đây, ngài hãy nhẫn một chút’.
Lưu Bang suy nghĩ, thấy mình đánh không lại Hạng Vũ, cho nên đành nhẫn, sau đó bắt đầu đi về Hán Trung.
Lưu Bang là người nước Sở, quê của ông là tỉnh Giang Tô, đây là nơi ‘ngư mễ chi hương’ (魚米之鄉: quê hương cá lúa, tức sản vật phong phú), mùa đông không quá lạnh, mùa màng bội thu, phong cảnh cũng rất đẹp. Nhưng nay lại đến Hán Trung, phải đi qua những đại sơn, mà binh sĩ của Lưu Bang cũng đều là người nước Sở, thật không mấy ai muốn đi đến vùng núi, cho nên họ đều muốn về nhà. Thế là rất nhiều người bỏ trốn.
Hán Trung là địa phương Tứ Xuyên, mà Tứ Xuyên là bồn địa (như cái bồn/bát, bốn bề là núi), nếu muốn đến Tứ Xuyên bằng đường thuỷ, thì phải ngược dòng Trường Giang, qua Tam Hiệp, sau đó mới vào Tứ Xuyên. Ở giữa vùng Tam Hiệp thuộc Trường Giang có một đoạn gọi là Cù Đường Hiệp (瞿塘峽), nơi đây vách núi dựng đứng hai bên vô cùng cao, ở giữa kẹp dòng Trường Giang chảy xiết. Giáo sư Chương kể trải nghiệm của mình rằng, năm 1994 khi còn chưa xây Tam Hiệp, thì phải đi qua Cù Đường Hiệp mới đến được Tứ Xuyên, mà ở đây nước chảy vô cùng xiết.
Nếu muốn ngược dòng mà lên, chỉ dựa vào chèo thuyền sức người thì không chèo lên được, mà chỉ có thể dựa vào ‘khiên phu’ (縴夫: người đàn ông vác dây) kéo thuyền, tức là trên thuyền cột một sợi dây, sau đó có người ở hai bên vách dựng đứng kéo dây, giúp thuyền ngược dòng Trường Giang. Hễ một ‘khiên phu’ sẩy tay, con thuyền lập tức bị nước kéo lao vào đá ngầm vỡ tan, người có thể thể bị va chết, vô cùng nguy hiểm. Do đó nếu đi ngược dòng Trường Giang vào Tứ Xuyên, thì trên cơ bản không có hy vọng.
Nếu đi đường bộ, thì bốn mặt đều là núi. Năm đó khi nhà Tần xây đường, thì khi xây đường qua Tứ Xuyên chỉ rộng 5 xích (khoảng 1m7). Bình thường xe thời nhà Tần quy định là ‘xa đồng quỹ’ (車同軌: thống nhất khoảng cách 2 bánh) là 6 xích (2m), nhưng ở Tứ Xuyên chỉ xây được đường 5 xích, ở vách núi cao đào một số hốc, sau đó cắm cán cây lớn vào, trên mặt lát ván gỗ.

Với chiều rộng đường 5 xích thì xe không qua được, chỉ có thể đủ cho 1 người và 1 ngựa. Nếu gặp người đi đối diện, muốn qua được thì phải lùi đến một đoạn trống, sau đó một người qua trước, người khác qua sau. Do đó muốn vào Tứ Xuyên vô cùng khó khăn, Lý Bạch từng viết rằng: “Thục đạo chi nan, nan ư thượng thanh thiên” (đường Thục khó đi, khó như lên Trời), tiến vào Tứ Xuyên vô cùng khó khăn. Lưu Bang chính là vào địa phương đó.
Khi đến Tứ Xuyên, Trương Lương còn đưa cho Lưu Bang một chủ ý nói rằng: ‘Để Hạng Vũ không hoài nghi, khi đi thì ngài vừa đi vừa đốt sạn đạo. Khi thiêu, ngài đã biểu thị rằng sẽ không quay lại (Quan Trung), không có dã tâm tranh bá, như thế Hạng Vũ mới yên tâm đối với ngài’. Thế là Lưu Bang một đường đi, một đường đốt sạn đạo.
Những thuộc hạ hễ thấy tình huống như thế, sạn đạo đốt rồi thì không quay về được, nhân lúc sạn đạo còn chưa đốt, họ nhanh chóng chạy trốn. Cho nên từng nhóm từng nhóm người lần lượt chạy trốn.
Lưu Bang biết thuộc hạ chạy trốn, bản thân ông cũng muốn chạy trốn, nhưng ông không có cách nào, chỉ có thể đến Tứ Xuyên. Đến một ngày, đột nhiên có người báo cáo Lưu Bang rằng: ‘Tiêu Hà chạy rồi’.
Tiêu Hà là Thừa tướng của Lưu Bang, tương đương với Chính phủ Tổng lý (Thủ tướng Chính phủ), là ‘thiết ca’ (鐵哥: anh em thân thiết như sắt thép) từ nhỏ đến lớn của Lưu Bang. Tiêu Hà bỏ chạy nói lên điều gì? Đó là lòng quân sụp đổ. Ngay cả Tiêu Hà cũng chạy, thì người khác còn không chạy sao? Trong Sử ký miêu tả: ‘Lưu Bang đại nộ như mất đi cánh tay trái phải’.

Nhưng qua một hai ngày, Tiêu Hà quay lại. Lưu Bang thấy Tiêu Hà, “Thả nộ thả hỷ” (且怒且喜: vừa giận vừa mừng). Giận vì Tiêu Hà đã bỏ chạy, mừng vì Tiêu Hà đã quay lại. Lưu Bang hỏi: ‘Vì sao ông chạy?’. Tiêu Hà trả lời rằng: ‘Tôi không chạy, tôi chỉ là truy đuổi một người đang chạy’. Lưu Bang hỏi: ‘Ông truy ai?’. Vậy thì rốt cuộc Tiêu Hà đã truy đuổi ai, kính mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo: Quốc sĩ vô song (國士無雙: quốc sĩ có một không hai).
Mạn Vũ
Chú thích:
(*) Link ‘Tiếu đàm phong vân’ phần 2 tập 11: Tây Sở Bá Vương.
(**) Ảnh trong bài chụp từ ‘Tiếu đàm phong vân’ phần 2 tập 1.
DKN