Trần Độc Tú là người sáng khởi ĐCSTQ. Sau thất bại thời kỳ đầu của ĐCSTQ, Quốc tế Cộng sản đã yêu cầu Trần Độc Tú đến Mạc Tư Khoa (Mátxcơva) năm lần trong khoảng thời gian từ 1927 đến 1930, nhưng Trần đều từ chối. Ông ấy làm thế nào mà bị cuốn vào cuộc đấu nội bộ chí mạng, và làm thế nào để thoát thân?
Xin chào quý vị độc giả, chào mừng đến với “Trăm Năm Chân Tướng“!
Nguồn gốc mối quan hệ giữa ĐCSTQ và Mátxcơva có thể bắt nguồn từ năm 1921, hơn một trăm năm trước. Khi đó, đảng Cộng sản Nga, sau này trở thành đảng Cộng sản Liên Xô (ĐCSLX), lãnh đạo và kiểm soát Quốc tế Cộng sản. Vì lợi ích của đảng Cộng sản Nga, Quốc tế Cộng sản đã cử đại diện đến Thượng Hải và lên kế hoạch thành lập một chi bộ Viễn Đông tuân lệnh đảng Cộng sản Nga – tiền thân của ĐCSTQ. Nhiệm vụ chủ yếu của nó chính là tận dụng hết thảy mọi biện pháp để lật đổ chế độ hợp pháp ở Trung Quốc lúc bấy giờ – Trung Hoa Dân Quốc.

Từ Đại hội toàn quốc lần thứ I của ĐCSTQ năm 1921 đến Đại hội toàn quốc lần thứ V của ĐCSTQ năm 1927, Trần Độc Tú được bầu làm lãnh đạo ĐCSTQ. Vào tháng 4 năm 1927, những người cánh hữu của Quốc dân đảng bắt đầu “thanh lọc đảng”, bắt giữ các đảng viên ĐCSTQ trên quy mô lớn. Cái gọi là “đại cách mạng” do ĐCSTQ lãnh đạo vì thế đã kết cục đại bại.
Từ năm 1927 đến năm 1930, Quốc tế Cộng sản nhiều lần yêu cầu Trần Độc Tú đi Mátxcơva, nhưng Trần Độc Tú đều từ chối. Chuyện gì đã xảy ra ở đây? Hôm nay, chúng tôi căn cứ trên ghi chép của nhà sử học Bành Kính Tú và những người khác, tiết lộ chân tướng đằng sau câu chuyện này.
Năm lần từ chối đến Mátxcơva
Ngày 8-7-1927, Quốc tế Cộng sản gửi một bức điện cho Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ, nói rằng sự thất bại của cách mạng Trung Quốc, nguyên nhân là do “một loạt sai lầm nghiêm trọng mà những người lãnh đạo ĐCSTQ phạm phải”, và yêu cầu “thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để sửa chữa sai lầm chủ nghĩa cơ hội của Trung ương ĐCSTQ, kiện toàn cơ cấu lãnh đạo của đảng về mặt chính trị”.
Căn cứ chỉ lệnh này, Trung ương ĐCSTQ đã tiến hành cải tổ, do Trương Quốc Đảo, Trương Thái Lôi, Lý Lập Tam, Lý Duy Hán, Chu Ân Lai tổ thành Ban Thường vụ Trung ương lâm thời, Trần Độc Tú bị đình chức. Đương thời, Mikhail M. Borodin, đại biểu của Quốc tế Cộng sản trụ tại Trung Quốc, đã yêu cầu Trần Độc Tú đi Mátxcơva để thảo luận với Quốc tế Cộng sản về vấn đề cách mạng Trung Quốc, nhưng bị Trần Độc Tú cự tuyệt.

Ngày 7 tháng 8 năm 1927, ĐCSTQ tổ chức “Hội nghị ngày 7 tháng 8” tại Hán Khẩu. Đại biểu mới được bổ nhiệm của Quốc tế Cộng sản tại Trung Quốc, Vissarion Lominadze, đã tổng phê phán những “sai lầm chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh” trong lãnh đạo “đại cách mạng” của Trần Độc Tú. Lúc này, Trần Độc Tú sống ở Vũ Xương, với tư cách là người sáng lập ĐCSTQ và là Ủy viên Trung ương, đã bị loại trừ khỏi hội nghị, có thể tưởng tượng ông đã uất ức như thế nào. Sau hội nghị, Cù Thu Bạch, người phụ trách Trung ương ĐCSTQ, đã đến nhà Trần Độc Tú, thông báo cho ông về tình huống hội nghị, và một lần nữa thuyết phục ông tiếp thụ chỉ thị đến Mátxcơva, nhưng Trần Độc Tú vẫn nhất quyết không đi.
Vào tháng 11 năm 1927, Cục Chính trị Lâm thời của Trung ương ĐCSTQ đã tổ chức một hội nghị mở rộng tại Thượng Hải, đại biểu của tất cả các tỉnh lớn đều tham dự, nhưng Trần Độc Tú vẫn bị gạt ra rìa. Trong thời gian hội nghị, Cù Thu Bạch lại tìm Trần Độc Tú nói chuyện, thuyết phục ông đi Mátxcơva, nhưng Trần Độc Tú vẫn từ chối.
Từ tháng 6 đến tháng 7 năm 1928, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của ĐCSTQ được tổ chức tại Mátxcơva. Trước cuộc họp, Quốc tế Cộng sản đã chỉ định Trần Độc Tú, Bành Thuật Chi, Trương Quốc Đảo và những người khác tham dự cuộc họp, nhưng Trần Độc Tú vẫn cự tuyệt.
Ngày 8 tháng 2 năm 1930, Bộ Chính trị ĐCSTQ chuyển cho Trần Độc Tú bức điện do Ban Bí thư Chính trị của Quốc tế Cộng sản gửi. Bức điện nói: “Quyết định cho ông cơ hội tham dự hội nghị của Ban Bí thư Bộ Chính trị để xem xét quyết định Trung ương khai trừ ông khỏi đảng”, hội nghị “sẽ được tổ chức trong vòng hai tháng”, đề nghị ông nhanh chóng cho biết có muốn đến tham gia hay không.
Trần Độc Tú khẳng định là không vui sau khi đọc nó: Bảo tôi đến Mátxcơva chỉ để thảo luận chuyên môn về việc khai trừ tôi khỏi đảng? Đây là loại thông điệp gì? Ông trả lời bức thư, từ chối lần thứ năm.
Trần Độc Tú nhất quyết không đi Mátxcơva, vậy là có ẩn tình gì?
Không muốn làm con dê thế tội cho ĐCSLX
Trước hết, cuộc “đại cách mạng” thất bại, và Stalin, Tổng Bí thư ĐCSLX, phải nhận trách nhiệm rất nặng nề.
Cuốn “Tiểu sử của Trần Độc Tú” viết: “Về vấn đề liệu Quốc tế Cộng sản có phải chịu trách nhiệm về sự thất bại của ‘đại cách mạng’ hay không, Stalin đã trả lời một cách tuyệt đối nhất: Sự lãnh đạo của Quốc tế Cộng sản là ‘hoàn toàn chính xác’ trong thời kỳ cách mạng Trung Quốc ở Quảng Châu, và sau cuộc cách mạng phản biến Tưởng Giới Thạch. Đến thời kỳ Vũ Hán, ‘phe phản đối nói sự thất bại tạm thời của cách mạng là do chính sách của Quốc tế Cộng sản. Thế nhưng chỉ có những người vứt bỏ chủ nghĩa Mác mới nói như vậy’. Sự thất bại của cách mạng là do Trung ương ĐCSTQ ‘phạm phải một loạt các sai lầm cực đại’. Ai nói chính sách của Quốc tế Cộng sản có sai lầm, ai nói chính là vứt bỏ chủ nghĩa Mác. Stalin ném toàn bộ những lời chỉ trích vào Trung ương ĐCSTQ, mà Trần Độc Tú, người được bầu tổng bí thư Trung ương trong 5 nhiệm kỳ, tự nhiên phải chịu đựng gánh nặng của nó.”
Sau khi Liên Xô tan rã vào những năm 1990, tài liệu lưu trữ được giải mật của ĐCSLX cho thấy từ năm 1923 đến năm 1927, Bộ Chính trị Trung ương ĐCSLX đã hội nghị chuyên môn thảo luận về vấn đề cách mạng Trung Quốc 112 lần, làm ra 738 quyết định. Ngay cả sau khi Tưởng Giới Thạch nắm đại quyền Quốc dân đảng, về việc khi nào nên cử ai nói chuyện với Tưởng Giới Thạch, những điều gì cần chú ý trong cuộc đàm thoại, đều có chỉ thị minh xác.
Bởi vì ĐCSTQ ngay từ đâu đã chịu sự thao túng của Quốc tế Cộng sản, đương thời, mọi đường lối, phương châm, chính sách chỉ đạo cuộc “đại cách mạng” của ĐCSTQ, toàn bộ đều đến từ Mátxcơva, và được thực hiện bởi các đại biểu và chuyên gia tư vấn do Liên Xô cử sang Trung Quốc. Chỉ một bộ phận nhỏ là do Trần Độc Tú với tư cách là người đứng đầu trung ương ĐCSTQ chấp hành dưới sự giám sát nghiêm mật của các đại biểu Liên Xô.
Do đó, Trần Độc Tú tin rằng trách nhiệm chính cho sự thất bại của “đại cách mạng” thuộc về Quốc tế Cộng sản và Stalin. Trần Độc Tú một mực không muốn trở thành con dê thế tội cho ĐCSLX.
Tội danh vô căn cứ
Nguyên do thứ hai Trần Độc Tú không đến Mátxcơva, là vì Stalin đã buộc tội ông một cách vu khống. Sau thất bại của “đại cách mạng”, Stalin đã chụp cho ông rất nhiều cái mũ, chẳng hạn như “chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh”, “chủ nghĩa đầu hàng hữu khuynh”, “đại biểu đột xuất nhất, cơ hội chủ nghĩa đích thực nhất của ĐCSTQ”, “người theo chủ nghĩa Trotsky”, “kẻ phản cách mạng”, “phản bội cách mạng”.

Trần Độc Tú là một người rất cuồng ngạo, người bạn cũ Chương Sĩ Chiêu từng mô tả ông là một “con ngựa bất kham”, liệu ông ấy có thể thừa nhận những tội danh này không? Dĩ nhiên là không. Ông từng nói: “Họ yêu cầu tôi viết thư hối cải, cải cái gì? hối thế nào? Tôi không hiểu. Tại sao họ không yêu cầu Stalin hối cải? Tôi là chấp hành mệnh lệnh của ông ấy, ông ấy hối cải thì tôi sẽ hối cải. Kêu tôi làm người thế tội, về tình về lý đều nói không thông.”
Trần Độc Tú cũng nói: “Các người gọi tôi là chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh, còn có người chửi tôi là kẻ phản bội cách mạng. Trong tình huống như vậy, gọi tôi đến Mátxcơva làm một bộ trưởng phương Đông nào đó, chỉ là trò đùa. Tôi không muốn làm quan, cũng không thể làm một con bò bị dắt mũi, đối với hảo ý của các người, cám ơn không dám.”
Chế độ độc tài Mátxcơva
Sự phẫn nộ của Trần Độc Tú cũng liên quan đến việc Mátxcơva trước đây căn bản không thèm lắng nghe ý kiến của ông. Kể từ khi thành lập ĐCSTQ, Trần Độc Tú đã nhiều lần bày tỏ sự không đồng tình hoặc phản đối một số chỉ thị của Mátxcơva.
Ví dụ, ông phản đối đề xuất do đại diện của Quốc tế Cộng sản, Marin, rằng các đảng viên ĐCSTQ nên gia nhập Quốc dân đảng và thực hiện hợp tác nội bộ giữa Quốc dân đảng và Cộng sản đảng, nhưng sự phản đối này không có giá trị; ông đã bốn lần đề xuất để đảng viên Cộng sản rút khỏi Quốc dân đảng, nhưng lần nào cũng không thể thành công.
Ông từng phê bình Borodin, đại biểu của Quốc tế Cộng sản, vì “không hợp tác với chúng tôi”. Đối với việc này, Quốc tế Cộng sản căn bản hoàn toàn phớt lờ, mà thay vào đó, ra lệnh cho Trung ương ĐCSTQ phối hợp công tác với Borodin.
Lật đổ phi pháp
Tại sao Trần Độc Tú tức giận? Mátxcơva thông qua các thủ đoạn phi pháp để bài trừ ông.
Vào ngày 4 tháng 8 năm 1927, Rominaz, đại biểu Quốc tế Cộng sản, chạy đến Trường Sa, bảo Dịch Lễ Dung, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Hồ Nam và những người khác đến Lãnh sự quán Nga ở Ma Viên Lĩnh họp, yêu cầu họ ký tên ủng hộ “lật đổ Trần Độc Tú”. Dịch Lễ Dung từ chối, kết quả là tháng 11 năm đó bị miễn chức.
Chúng tôi vừa đề cập rằng vào ngày 7 tháng 8 năm 1927, ĐCSTQ đã khẩn trương tổ chức “Hội nghị ngày 7 tháng 8” tại Hán Khẩu để “thanh toán” “những sai lầm chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh” của Trần Độc Tú. Trước hội nghị, có người đề xuất nên thông báo cho Trần Độc Tú tham gia, nhưng đại biểu Quốc tế Cộng sản Rominaz đã thẳng thừng từ chối. Tham gia hội nghị có ít hơn một nửa số thành viên Trung ương ĐCSTQ, không đủ số người theo pháp định; Hội nghị chỉ diễn ra vội vàng trong một ngày, không tiến hành thảo luận đầy đủ, và quyền tranh luận của Trần Độc Tú bị tước đoạt. Vì vậy, nghị quyết được hội nghị thông qua là không hợp pháp.
Nói đến đây, chúng ta kỳ thực có thể thấy rằng, những biểu hiện nhất quán của ĐCSTQ như: hành vi đổ lỗi, tự cho mình là “vĩ đại quang minh chính xác”, đấu đá nội bộ tàn khốc, tất cả đều là được truyền thừa từ ĐCS Liên Xô.
Phản đối “vũ trang bảo vệ Liên Xô”
Trần Độc Tú từ chối sang Liên Xô, ngoài sự tức giận tích tụ bởi đấu tranh nội bộ, còn do phản đối thủ đoạn tuyên truyền “vũ trang bảo vệ Liên Xô” của ĐCSTQ.
Tháng 7 năm 1929, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc vì để giám sát Liên Xô phiến động người Trung Quốc phá hoại xã hội Trung Quốc và thực hiện các loại hoạt động tuyên truyền có tổ chức để phản đối chính phủ Trung Hoa Dân Quốc, đã quyết định cưỡng hành thu hồi quyền sử dụng tuyến đường sắt Trung Đông, triệt để bãi bỏ các điều ước bất bình đẳng.
Đường sắt Trung Đông là tuyến đường sắt do Nga hoàng xây dựng trên lãnh thổ Trung Quốc nhằm xâm lược Trung Quốc và kiểm soát Viễn Đông. Sau “Cách mạng Tháng Mười” Nga, Nga Xô viết nhiều lần tuyên bố sẽ xóa bỏ mọi hiệp ước bất bình đẳng mà Nga hoàng buộc chính quyền nhà Thanh phải ký kết, trao trả chủ quyền đối với tuyến đường sắt Trung Đông. Nhưng đó chỉ là lời trên miệng, hoàn toàn không thực hiện.

Vì vậy, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc muốn thu hồi quyền đối với đường sắt Trung Đông. Liên Xô không chịu, đòi cắt đứt quan hệ ngoại giao với Trung Hoa Dân Quốc, và xung đột vũ trang đã nổ ra. Cuối cùng, quân đội Liên Xô giành chiến thắng, không chỉ giữ lại các quyền và lợi ích của Liên Xô trong đường sắt Trung Đông, mà còn nhân cơ hội xuất binh chiếm đảo Hắc Hạt Tử của Trung Quốc.
Đồng thời, Quốc tế Cộng sản phản ứng mạnh mẽ, chỉ thị cho đảng Cộng sản các nước mở chiến dịch “Bảo vệ Liên Xô”. Ủy ban Trung ương ĐCSTQ bấy giờ đã phản ứng rất tích cực, thường xuyên ban hành các tuyên ngôn, nghị quyết và văn chương, thậm chí đề xuất các khẩu hiệu bán nước như “vũ trang bảo vệ Liên Xô” và “ủng hộ Liên Xô”.
Ngày 28 tháng 7 năm 1929, Trần Độc Tú gửi một bức thư tới Trung ương ĐCSTQ, chỉ trích khẩu hiệu của ĐCSTQ là “giáo thức thái quá, quá xa quần chúng, cũng quá đơn điệu”, “trái lại làm quần chúng hiểu sai về chúng ta… không quan tâm đến lợi ích dân tộc”. Một tuần sau, ông lại gửi một điện tín khác cho Trung ương ĐCSTQ, phê bình đường lối hành động mù quáng hữu khuynh đương thời. Thực tế có thể thấy, điều mà Trần Độc Tú phản đối không phải là ĐCSTQ bán nước, mà là phản đối sự thiếu “khôn ngoan” trong các thủ đoạn tuyên truyền của đảng.
Tuy nhiên, Quốc tế Cộng sản đã phớt lờ chuyện này, càng tiến thêm một bước nhận định Trần Độc Tú là người phản Quốc tế Cộng sản, phản đảng, nổi loạn. Ngày 15 tháng 11 năm 1929, Bộ Chính trị ĐCSTQ căn cứ chỉ thị quyết định khai trừ Trần Độc Tú khỏi đảng. Sau đó, Trần Độc Tú đã xuất bản “Cáo thư gửi tất cả các đồng chí trong đảng”, khiển trách người phụ trách Trung ương ĐCSTQ là “cam tâm làm máy quay đĩa của Stalin” và “ngày càng đồi bại, không thuốc chữa”. Hai bên đi đến chỗ đối đầu triệt để.
Lo lắng có đi không về
Tất nhiên, có một lý do thiết thực nhất khác để Trần Độc Tú không đến Mátxcơva: có thể ông ấy lo tính mạng khó bảo toàn.
Trương Quốc Đảo trong “Hồi ức của tôi” viết: “Nghị quyết Hội nghị ngày 7 tháng 8 đã phê bình ông ấy (Trần Độc Tú) rất nặng nề, điều đó chứng tỏ rằng Quốc tế (Cộng sản) đã quyết tâm hy sinh ông ấy từ lâu.”
Trương Quốc Đảo cảm thấy có gì đó không ổn, nhưng bản thân Trần Độc Tú thì sao?

Tháng 2 năm 1930, Quốc tế Cộng sản yêu cầu Trần Độc Tú sang Mátxcơva bàn vấn đề khai trừ đảng, Trần nói trong “Thư gửi Quốc tế”: “Các người đã lưu đày Trotsky (nhân vật đối lập trong ĐCSLX) ra ngoài Liên Xô… Một số lớn các đồng chí khác có chính kiến khác với các người đã bị bắt lưu đày, nay các người muốn điều tôi từ Trung Quốc sang Mátxcơva, nói là để chuyên môn giải quyết vấn đề của tôi, tôi thực sự không biết các người định làm gì.”
Từ điều này có thể thấy rằng Trần Độc Tú đã có linh cảm rằng việc mình đến Mátxcơva sẽ không có kết quả tốt, thậm chí có thể một đi không trở lại.
Mời quý vị xem video gốc tại đây.
Theo Epoch Times
Mộc Lan biên dịch
DKN