‘Chịu nhục chui háng’ đã triển hiện cái tâm đại nhẫn hơn người của Hàn Tín. Tố chất tâm lý này sau đó đã cứu Hàn Tín một mạng, đồng thời cũng khiến vận mệnh của ông chuyển hướng, đây rốt cuộc là chuyện gì?
Giáo sư Chương Thiên Lượng giảng, khi Hạng Lương vượt Hoài Hà rồi khởi binh, vì Hàn Tín cũng là người nước Sở, nên Hàn Tín mang kiếm đầu quân cho Hạng Lương. Ban đầu Hàn Tín là thủ hạ của Hạng Vũ, làm chức Chấp kích lang trung (執戟郎中), tương đương với thị vệ của Hạng Vũ. Hàn Tín có thân hình cao lớn, Giáo sư Chương đoán rằng Hàn Tín có thể rất đẹp trai, cho nên Hạng Vũ cho Hàn Tín làm chức Chấp kích lang trung.
Hàn Tín đã đưa ra rất nhiều chủ ý cho Hạng Vũ, nhưng Hạng Vũ đều không nghe. Sau này Hàn Tín nghĩ ‘ở đây không mấy tiền đồ’, thế là Hàn Tín rời chỗ Hạng Vũ để đầu quân cho Lưu Bang.
Ban đầu khi đầu quân cho Lưu Bang, Hàn Tín là người vô danh tiểu tốt, không ai biết đến, nên chỉ làm được một chức quan nhỏ là ‘Liên ngao’ (連敖) quản lý thương khố (kho bãi). Sau này không biết vì nguyên nhân gì, Giáo sư Chương đoán có thể do thủ hạ của Hàn Tín phạm sai lầm gì đó, nên đã liên luỵ đến Hàn Tín. Khi đó tổng cộng có 14 người bị chém đầu.
Người giám sát việc chém đầu tên là Đằng Công. Tên của Đằng Công là Hạ Hầu Anh, là thái bộc (太撲: người đánh xe) của Lưu Bang, tương đương Bộ trưởng Bộ Giao thông, có quan hệ rất tốt với Lưu Bang. Khi đó Đằng Công Hạ Hầu Anh giám sát việc chém đầu, phải chém 14 người, trước mặt ông đã chém 13 người, đến người thứ 14 là Hàn Tín.
Dưới tình huống như vậy, người bình thường sẽ rất sợ hãi, có người sẽ cảm thấy ‘mình bị oan, không nên chết, người khác làm liên luỵ đến tôi’, nhưng Hàn Tín vô cùng bình tĩnh. Khi sắp chém tới Hàn Tín, Hàn Tín đột nhiên ngẩng đầu nhìn Đằng Công, hét một đoạn lời rằng: ‘Thượng cấp của ông (Bái công Lưu Bang) chẳng phải muốn đoạt thiên hạ ư? Tại sao lại chém đầu tráng sĩ?’.
Đằng Công nghe thấy câu này vô cùng giật mình. Một người sắp chết mà không có bất cứ phản ứng sợ hãi nào, ngược lại lại nói một câu đánh động nhân tâm như vậy. Phản ứng của Đằng Công khi ấy là “Kỳ kỳ ngôn” (奇其言: kỳ lạ vì câu nói), cảm thấy Hàn Tín nói câu đó thật sự quá kỳ lạ, sau đó Đằng Công nhìn kỹ Hàn Tín. Đằng Công phát hiện Hàn Tín vừa cao vừa đẹp, thế là Đằng Công lập tức thả Hàn Tín.
Sau khi thả, Đằng Công đã có một đoạn đối thoại với Hàn Tín, đoạn lời này làm Đằng Công biết rằng: Hàn Tín thật sự là nhân tài, làm chức Liên ngao quá nhỏ so với tài năng lớn. Đằng Công liền bổ nhiệm Hàn Tín làm ‘Trị túc đô uý’ (治粟都尉), là người phụ trách quản lý lương thực trong quân.
Trong chiến tranh, ai là đại quản gia của Lưu Bang, phụ trách công tác hậu cần, quản lý quân lương thực? Tiêu Hà – thiết ca (người anh thân thiết) của Lưu Bang, sau này Tiêu Hà làm
Thừa tướng, tương đương với chức Chính phủ Tổng lý (Thủ tướng Chính phủ) của Đại Hán. Tiêu Hà quản lương thực, hiện nay Hàn Tín cũng quản lương thực, Hàn Tín chịu sự quản hạt trực tiếp của Tiêu Hà, như thế Hàn Tín có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với Tiêu Hà.
Tiêu Hà thấy Hàn Tín thì vô cùng thích thú, hễ đàm luận thì phát hiện Hàn Tín là người quá xuất sắc, thế là Tiêu Hà tiến cử Hàn Tín cho Lưu Bang.
Ban đầu Lưu Bang không xem chuyện đó là gì, không quản Hàn Tín. Qua một đoạn thời gian, Hàn Tín đoán rằng Tiêu Hà đã tiến cử mình rất nhiều lần, nhưng Lưu Bang lại không bổ nhiệm. Thế là Hàn Tín chuẩn bị chạy trốn. Tiêu Hà nghe Hàn Tín chạy trốn, không kịp bẩm báo với Lưu Bang, ông đuổi theo Hàn Tín ngay trong đêm. Như thế Tiêu Hà đã đuổi kịp Hàn Tín.
Sau khi mang Hàn Tín về lại, Tiêu Hà đến gặp Lưu Bang. Lưu Bang thấy Tiêu Hà trở về, vừa mừng vừa giận, hỏi Tiêu Hà rằng: ‘Vì sao ông chạy trốn?’. Tiêu Hà nói: ‘Tôi không chạy trốn, tôi chỉ đuổi theo người chạy trốn’. Lưu Bang nói: ‘Ông ăn nói bừa. Một ngày có chục tướng bỏ chạy, sao ông không đuổi. Nay lại đi đuổi theo Hàn Tín, ta chưa nghe cái tên đó bao giờ’. Tiêu Hà nói: ‘Chư tướng dễ tìm, riêng chỉ có Tín, ‘quốc sĩ vô song”. Thành ngữ ‘quốc sĩ vô song’ cũng từ đây mà ra. Ý của Tiêu Hà chính là: Hàn Tín là nhân tài ưu tú nhất của quốc gia, là kẻ sĩ có một không hai.
Tiêu Hà nói tiếp: ‘Nếu Hán vương (Lưu Bang) chỉ muốn xưng vương ở đất Hán Trung, thì ngài không cần Hàn Tín. Nhưng nếu ngài muốn tranh thiên hạ với Hạng Vũ ở phía đông, ngoài Hàn Tín ra, thì không ai có thể thảo luận vấn đề đó với ngài. Vậy xem ngài quyết định như thế nào? Ngài muốn làm Hán Trung vương, Hàn Tín bỏ chạy thì tôi không quản. Nhưng nếu ngài muốn tranh thiên hạ, ắt phải dùng Hàn Tín’.
Lưu Bang nói: ‘Thế được, bởi vì ông tiến cử, ta sẽ bổ nhiệm Hàn Tín làm Tướng quân’. Tiêu Hà nói: ‘Nếu ngài bổ nhiệm Hàn Tín làm Tướng quân, ông ấy vẫn chạy’. Lưu Bang hỏi: ‘Vậy phải làm sao? Cho Hàn Tín làm Đại tướng quân vậy’.
Giáo sư Chương đoán rằng, có thể Lưu Bang thuận miệng nói, bởi vì Đại tướng quân là Tam quân Tổng tư lệnh (Tổng tư lệnh ba quân), tất cả quân đội đều quy về người ấy quản. Một người mà Lưu Bang chưa từng gặp qua, trong một đêm từ quan chức cấp thấp nhất trở thành Tam quân Tổng tư lệnh, khoảng cách địa vị vô cùng lớn, cho nên có thể Lưu Bang thuận miệng nói ra. Kết quả Tiêu Hà nói: “Hạnh thậm” (幸甚: Quá tốt rồi).
Lưu Bang cảm thấy lời nói ra như nước đổ đi, không thể rút lại, thế là ông nói với Tiêu Hà rằng: ‘Như thế này, ông hãy kêu Hàn Tín lại đây, ta lập tức bái ông ấy làm Đại tướng quân’. Tiêu Hà nói: ‘Không được. Hán vương hiện nay có một vấn đề đó là: ngài đối xử với tướng quân, đại thần vô cùng không tôn trọng’. Lưu Bang thường mạ (mắng) họ, chúng ta xem trong ‘Sử ký – Cao Tổ bản kỷ’ thường thấy có câu là “Cao Tổ mạ viết” (高祖罵曰: Cao Tổ Lưu Bang mằng rằng).
Tiêu Hà nói tiếp: ‘Ngài bái đại tướng quân như là kêu con nít, bái đại tướng quân mà như gọi chó gọi mèo, qua đây qua đây, qua đây làm đại tướng quân. Điều này tuyệt đối không được. Nếu ngài muốn bái Hàn Tín làm tướng quân, lễ tiết nhất định phải long trọng’.
***
Lưu Bang bị Hạng Vũ phong đất Tứ Xuyên xa xôi hẻo lánh xa xôi hẻo lánh, trong lòng vừa tức vừa hận, nhưng vì không đánh lại Hạng Vũ, nên chỉ có thể ‘ép dạ cầu toàn’.
Hiện nay Tiêu Hà nói: Hàn Tín có thể giúp mình tranh thiên hạ với Hạng Vũ, nên đã nghe theo lời khuyên của Tiêu Hà, chuẩn bị bái Hàn Tín làm đại tướng quân.
Nhưng Tiêu Hà còn nói với Lưu Bang rằng: Muốn bái Hàn Tín làm tướng, ắt phải làm tốt 4 việc này. Đây rốt cuộc là sự việc gì, kính mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo.
Mạn Vũ
Chú thích:
(*) Link ‘Tiếu đàm phong vân’ phần 2 tập 12: Quốc sĩ vô song.
DKN