Nghèo hèn quả là đề tài thú vị để tìm hiểu và hóa ra nó không giống như quan niệm phổ biến qua câu chuyện của Trang Tử và Ngụy Vương. Nói về nghèo hèn ắt phải nói về giàu sang, như âm phải có dương mới cân bằng. “Nghèo hèn” còn gọi là “bần tiện”, “giàu sang” còn gọi là “phú quý”.
Nghèo không chắc luôn là hèn. Vậy còn giàu, có chắc luôn là sang?
Trước hết cần hiểu giàu và sang có nghĩa gì?
Thông thường, hễ có nhiều tiền bạc tài sản thì người ta cho là giàu. Nhưng nếu hiểu rộng hơn, ai có nhiều một thứ gì đấy, tức là giàu rồi. Ví như người ta vẫn nói người này giàu tình cảm, người kia giàu trí tuệ, người khác lại giàu nhân cách v.v. Tại đây, chỉ bàn đến giàu theo nghĩa giàu tiền bạc.
Còn “sang” hay “sang trọng” theo từ điển tiếng Việt định nghĩa là: “có tiền tài và danh vọng, được nhiều người trong xã hội kính trọng; trái nghĩa với hèn”. “Hèn” tức là bị coi khinh, thường là vì nghèo, vì yếu thế.
Trước hết sang trọng nghĩa là được xã hội kính trọng, sự kính trọng này có phải bắt đầu từ tiền tài và danh vọng?
Vẫn sang trọng trong cảnh đời lưu lạc
Thông thường, người được xã hội coi trọng, kính nể thì dễ có danh vọng, tiền tài; bị khinh bỉ xa lánh thì nghèo khó, địa vị thấp kém… dẫu không nhất thiết luôn là vậy. Có người sang mà chưa giàu hoặc giàu mà không sang; có người hèn mà chưa nghèo hoặc nghèo mà không hèn. Đã thế thì “giàu” và “sang” không nhất định phải song hành với nhau. Chuyện xưa kể rằng:
Ngũ Viên (hay Ngũ Tử Tư) thời Chiến Quốc là con của đại thần Ngũ Xa nước Sở, có thù giết cha, giết anh với hôn quân Sở Bình Vương, lại bị đuổi cùng giết tận. Ông phải lẩn trốn hết sức vất vả, một phần là do ngoại hình, thần thái rất nổi bật.
Ngũ Viên thân cao 10 thước (1), mắt sáng như điện chớp, lông mày dài, vô cùng uy phong dũng mãnh, lại văn võ song toàn thông minh tài trí, ai nhìn vào cũng nảy sinh lòng kính trọng, vì vậy là người không dễ ẩn mình giữa đám đông.
Cải trang rồi mà hầu như đến đâu Ngũ Viên cũng bị nhận diện. Cuối cùng, nhờ may mắn mới sang đến đất Ngô, đường xa vạn dặm, lúc này đã hết sức rách rưới tả tơi, đành mua vui bằng điệu sáo câu hát để kiếm ăn qua ngày. Tuy vậy, vẫn bị quan đại phu nước Ngô là Bị Ly nhận diện. Bị Ly nói: “Tôi cả đời xem qua rất nhiều tướng người rồi, nhưng trước giờ chưa thấy ai giống như ông đây”.
Ngũ Viên là người có quý khí, tha phương cầu thực vẫn không giấu được khí chất anh hào, dáng vẻ của bậc đại thần có tài kinh bang tế thế. Về sau, Ngũ Viên trở thành tướng quốc nước Ngô, công danh lên đến cực điểm.
Người gặp cảnh ngộ mà vẫn sang trọng không chỉ có mình Ngũ Viên.
2000 năm trước ở Jerusalem có Judah Ben-Hur là một đại quý tộc và nhà buôn giàu có, chợt xảy bước lưu lạc vì có kẻ giá họa, sản nghiệp sụp đổ, gia đình ly tán, tự do cũng bị tước đoạt, trở thành nô lệ chèo thuyền. Dẫu lâm hoạn nạn, vẫn anh khí lầm lẫm.
Khi các nô lệ khác cúi gằm mặt xuống than vãn, thì Ben Hur ngẩng đầu lên cương nghị; nô lệ phải cần đến đòn roi để thúc giục, thì Ben-Hur luôn tự giác và tận tụy. Với một người đầy lòng tự trọng và bản lĩnh như thế, người ta không dám đối xử với ông như một nô lệ bình thường. Khi thuyền bị đâm chìm, Ben-Hur bình tĩnh tháo cùm cho các nô lệ khác để chỉ huy mọi người thoát khỏi hiểm cảnh, thậm chí động viên cả vị tướng Arrius người La Mã đang ngã lòng, lấy được lòng tin của ông ta, từ đó đổi thay hạnh vận.
Sau cùng, Ben-Hur được trả tự do, phục hồi quyền lực, gia tộc lại quay lại cảnh thịnh vượng khi trước.
Ben-Hur có thể chỉ là nhân vật phim ảnh, nhưng khí độ ấy là có thực.
Minh tinh Charlton Heston vào vai Ben Hur trong tượng đài điện ảnh cùng tên, đoạt 11 giải Oscar năm 1959. Charlton Heston dường như sinh ra để đóng những Ben-Hur trên phim, và sống như Ben-Hur ngoài đời. Ông được giới phê bình khen ngợi: “từ cách xa một dặm đã ngửi thấy mùi vương giả, quý tộc”.
Từ Ngũ Viên, Judah Ben-Hur thậm chí ngay cả Charlton Heston đều là người sang trọng, dù gặp nghịch cảnh trớ trêu, thăng trầm lưu lạc, trở thành kẻ ăn xin, tên nô lệ vẫn toát lên khí chất công hầu, người xưa gọi những người như thế là “rồng, phượng trong loài người”.
Như thế là sang đấy.
Khí chất ấy trời cho, sang trọng ấy trời sinh, tiền bạc cũng không mua được.
Nếu con cháu những người này biết kế thừa phẩm chất cao quý ấy, lại bồi đắp thêm những giá trị đạo đức tinh thần, thì gia cảnh ắt thịnh vượng giàu sang, trở thành dòng họ quý tộc. Nhiều dòng họ quý tộc quần tụ góp phần tạo nên diện mạo tinh thần của những kinh đô hoa lệ như Trường An, Lạc Dương, Nam Kinh, Rome, Paris, London, Vienna v.v.
Nên người Việt xưa có câu: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Tràng An là kinh đô nhà Đường và nhiều triều đại Trung Hoa, được lấy làm biểu trưng để ám chỉ người Thăng Long, Hà Nội xưa thanh lịch, dẫu bao thăng trầm dâu bể vẫn giữ được cốt cách, nền nếp, không giàu mà vẫn sang.
Không có sự sang trọng bẩm sinh, thì vẫn có sự sang trọng nhờ tu dưỡng
Có nhiều khán giả xem xong chương trình Shen Yun xúc động thốt lên: “các tiết mục thật là chấn động, đẹp như trên tiên giới, mọi thứ từ sân khấu, trang phục, vũ điệu, đặc biệt là thần thái của diễn viên đều hết sức sang trọng, quý phái.”
Nếu không có sự sang trọng bẩm sinh, hoặc không lớn lên trong truyền thống quý tộc, thì cá nhân nào cũng có thể nhờ tu dưỡng mà thành cao quý. Các vũ công ShenYun có thể mang tới một tỷ dụ điển hình.
Vật sang trọng vì được chế tạo cực kỳ tinh tế, tỉ mỉ; người sang trọng vì dày công tu luyện, hàm dưỡng.
Chẳng hạn khi các nữ vũ công ShenYun hóa thân vào những công chúa thời Đường, hay các “Cách cách” đời Thanh, từ dáng đi điệu cười đều tái hiện chân thực phong thái cao quý của hoàng gia. Các nam vũ công lại thể hiện được khí khái anh hùng của những danh tướng hay phong độ bất phàm của các cao nhân dật sĩ. Không chỉ là một vài cá nhân bẩm sinh sang trọng, đây là một tập thể hoàn mỹ.
Để có được điều này, họ phải tu dưỡng, rèn luyện cực kỳ khắc khổ. Rèn luyện tức là “đẩy cơ thể đến hạn độ cuối cùng để nhận ra rằng giới hạn duy nhất là ở chính tinh thần của mình” (2). Còn tu dưỡng, là đắm mình trong các bài giảng về văn hóa truyền thống và nhất là tuân thủ theo những nguyên tắc Chân – Thiện – Nhẫn trong mọi thời khắc của cuộc sống. Tuân theo một niềm tin truyền thống, họ cho rằng để sáng tạo ra nghệ thuật đích thực, cần phải có một nội tâm cao đẹp và thuần tịnh, và nhờ đó, từ những con người bình thường vươn lên những cá nhân phi thường.
Hình thái bên ngoài chính là toát ra từ sự tu dưỡng bên trong, vì trong-ngoài là một thể thống nhất. Khuôn mặt tươi tắn nhân hậu là vì nội tâm hòa ái, mỗi cái cất tay nhấc chân đều đầy vẻ duyên dáng trí tuệ, tự nhiên nhi nhiên, người khác không sao chép được.
Như thế chính là sang đấy.
Giàu mà không sang
Đã nói về những người sang mà chưa giàu. Lại có nhiều người giàu mà không sang. Có nhiều người giàu háo hức trở nên sang trọng, nhưng không qua việc tu dưỡng đạo đức mà đi đường tắt, sao chép hình thức một cách thô lậu, trở thành trò hề cho thiên hạ, biểu tượng lố bịch của văn chương.
Như những Jourdain giàu có hãnh tiến muốn trở nên sang trọng, đã tự biến mình thành kẻ ngốc bị lừa phỉnh bởi những tên đào mỏ khoác áo người thầy dạy cho Jourdain những bài học “quý phái” rởm đời… trong vở kịch “Trưởng giả học làm sang” của văn hào Molière; hay những Xuân Tóc Đỏ, Typn, ông bà Văn Minh, me tây Phó Đoan v.v. trong tác phẩm “Số Đỏ” của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Họ tưởng rằng miễn sao chép của Tây Phương thì thế là văn minh, nên không ngần ngại “nhập khẩu” những thứ văn hóa biến dị và xa lạ với truyền thống đạo đức Á Đông như là “giải phóng tình dục”, “nữ quyền”, “Âu hóa”, “cải cách xã hội”v.v. Rốt cuộc cái hay không học được, cái dở thì tiếp thu trọn vẹn, sự cực đoan và nông cạn của những nhà “cải cách xã hội” nửa mùa này còn khiến những thứ vốn dĩ đã biến dạng lại càng thêm méo mó.
Câu chuyện một vài thế kỷ trước đến nay vẫn chưa mất đi tính thời sự.
Ngày nay có nhiều người bỗng trở nên rất giàu có, lại muốn thêm phần sang trọng – vốn cũng là mong muốn chính đáng. Nhưng làm sang bằng cách nào mới đáng bàn.
Có người làm sang bằng cách xây biệt phủ, tậu siêu xe, du thuyền… nhưng bằng thu nhập bất minh.
Có người làm sang bằng sở hữu những vật dụng đắt tiền: kim cương, trang sức, đồng hồ, váy áo lộng lẫy… nhưng có được nhờ quan hệ bất chính.
Có người làm sang bằng những mối quan hệ với giới tai to mặt lớn, nghệ sĩ nổi tiếng, cặp kè với các “chân dài” đình đám… nhưng không có lấy một người bạn chân thành, khi sa cơ lỡ vận người ta đều quay lưng ngoảnh mặt.
Có người làm sang bằng những đám cưới cực kỳ xa hoa, những thề nguyền lâm li mùi mẫn… nhưng sau đó là những phiên tòa ly dị cũng ầm ĩ và tổn phí không kém.
Có người làm sang bằng những chuyến du lịch cực kỳ đắt đỏ, nhưng dù đặt chân khắp các danh thắng Đông Tây, cách ứng xử vẫn kém phần lịch duyệt, kiến văn không vượt quá điểm vui chơi, tri thức không hơn gì ngoài mua sắm.
Có người làm sang bằng những thú chơi cầu kỳ xa xỉ: cây cảnh triệu đô; nhà gỗ trăm tỷ; mạ đá quý, đúc vàng ròng cho siêu xe; ăn trứng cá tầm, tôm hùm khổng lồ, gà đen mặt quỷ v.v. nhưng tinh thần vẫn cảm thấy trống rỗng, hoang vu.
Có những người làm sang bằng cách cho con học những lớp “CEO nhí”, bắt chước phong thái quý tộc, cách hưởng thụ thượng lưu… nhưng lại không hiểu rằng quý tộc chính là sự tu dưỡng nội tâm, rèn giũa tinh thần và thân thể một cách nghiêm khắc chứ không phải một thứ vay mượn, sao chép hình thức bên ngoài.
v.v.
Như thế có thể coi là sang trọng hay không?
Sang trọng rồi mới giàu có
Người ta hay nói “giàu sang” như thể có giàu rồi mới có sang, hoặc là nói: “phú quý sinh lễ nghĩa”. Thực ra thì chiều ngược lại còn sâu sắc chí lý hơn: có lễ nghĩa, có tu dưỡng rồi dần dà mới sinh ra phú quý.
Dân gian có câu: “nghèo thì lâu, giàu mấy chốc”, chẳng có ai nói: “hèn thì lâu, sang mấy chốc”. Giàu có, tài phú là điều kiện vật chất có thể đến rất nhanh, nhưng sang quý là một phẩm chất về tinh thần, nếu chẳng phải bẩm tính trời sinh, thì phải khắc khổ chuyên cần tu dưỡng nội tâm, rèn luyện thân thể, khó mà thành tựu trong một sớm một chiều. Tài khoản triệu đô, mặc đồ hàng hiệu, lái một siêu xe, ăn một bữa ăn xa xỉ cùng những người nổi tiếng… cũng không mang lại khí chất cao quý cho mình. Tiền bạc chỉ có thể tạo ra ảo giác sang trọng mà thôi.
Bởi vì giàu là một giá trị vật chất, sang là một giá trị thuộc phẩm chất tinh thần.
Vậy thì chẳng cần đợi giàu mới học sang. Người ta ai cũng có thể sang trọng hơn nhờ tu dưỡng đạo đức, rèn luyện phong cách ứng xử theo tiêu chuẩn truyền thống. “Có đức mặc sức mà ăn”, “có phúc ắt có phần”, đời này giàu có là nhờ phúc đức tích lũy trong nhiều kiếp nhân sinh; Tiền tài danh vọng cũng dễ đạt được vì có uy tín, uy tín này có được chẳng phải từ rèn đức luyện tài hay sao. Hiểu theo nghĩa nào, thì phẩm chất đạo đức tôn quý cũng là cái gốc của sự giàu có.
Như thế chẳng phải sang rồi mới giàu hay sao?
Hồi Hương
Chú thích:
(1): Khoảng 2m
(2): Theo lời giới thiệu về chương trình Shen Yun
DKN