Người đầu tiên tiến nhập đô thành Hàm Dương của Tần là Lưu Bang, luôn muốn làm Quan Trung vương, nhưng sau những trải nghiệm ở Hồng Môn yến và sau khi đọ sức kinh hiểm với Hạng Vũ, Lưu Bang buộc phải xưng thần.
Lưu Bang bị Hạng Vũ phong đến đất Ba Thục xa xôi. Trên đường vào đất Tứ Xuyên Ba Thục, thuộc hạ lần lượt chạy trốn, và đến một ngày Thừa tướng Tiêu Hà cũng chạy trốn, khiến Lưu Bang vừa kinh vừa nộ, cảm giác như mất đi cánh tay trái phải.
Nhưng một hai ngày sau, Tiêu Hà quay trở lại, hoá ra ông truy đuổi người chạy trốn là Hàn Tín. Vậy thì Hàn Tín là người như thế nào mà đích thân Thừa tướng Tiêu Hà phải truy đuổi?
Giáo sư Chương Thiên Lượng giảng, trong Sử ký, Tư Mã Thiên có một truyện về Hàn Tín gọi là ‘Hoài Âm Hầu liệt truyện’, bởi vì sau này Hàn Tín được phong làm Hoài Âm Hầu.
Chúng ta biết rằng thời kỳ Sở Hán chiến tranh, trong lịch sử có xuất hiện 2 người cùng tên, một là đại tướng quân Hàn Tín mà chúng ta quen thuộc, hai là vương nước Hàn gọi là Hàn vương Tín. Câu chuyện của Hàn vương Tín được ghi chép trong ‘Hàn Tín lư oản liệt truyện’ (韓信盧綰列傳), còn chúng ta ở đây là nói về đại tướng quân Hàn Tín được ghi chép trong ‘Hoài Âm Hầu liệt truyện’.
Hàn Tín là người Hoài Âm, nay là huyện Hoài Âm tỉnh Giang Tô, lúc nhỏ gia đình rất nghèo, nhưng Giáo sư Chương đoán rằng: tổ tiên Hàn Tín rất có thể là quý tộc. Ở đây có 4 chứng cứ làm bằng chứng.
Thứ nhất, Hàn Tín có tên có họ (có danh tính), bởi vì chúng ta biết rằng vào thời cổ đại, thì chỉ có quý tộc mới có tên và họ, còn lão bách tính phổ thông không có tên họ. Ví như tên của Lưu Bang là Lưu Quý, Lưu Quý có nghĩa là Lưu Tứ (anh họ Lưu thứ tư trong nhà, Anh Tư), tức là không có tên họ. Còn Hàn Tín có tên có họ, cho nên Hàn Tín rất có thể là một quý tộc.
Thứ hai, Hàn Tín đeo kiếm. Chúng ta thấy trong ‘Hoài Âm Hầu liệt truyện’ viết rằng ‘Hàn Tín thích mang đao kiếm’. ‘Mang kiếm’ là tượng trương cho thân phận thời cổ đại, cho nên Hàn Tín có kiếm, rất có thể là dấu hiệu của thân phận quý tộc.
Thứ ba, Hàn Tín thời niên thiếu rất nghèo, từng có phiếu mẫu (漂母: bà lão giặt đồ) cho cơm, lúc đó bà gọi Hàn Tín là ‘vương tôn’ (王孫: cháu của vương), tức là cháu của một vị vương nào đó. Đây rất có thể là chứng cứ cho việc Hàn Tín là quý tộc.
Thứ tư, Hàn Tín từng đọc sách, đặc biệt là binh thư. Thời đó đọc sách là việc rất xa xỉ, bởi vì sách thời đó không phải được in ấn như bây giờ với chi phí in rất rẻ; mà là chép tay, phải có tiền mới mua được sách, cho nên sách thời đó vô cùng đắt.

Hàn Tín có sách, có kiếm, có tên họ, người khác gọi là ‘vương tôn’, cho nên rất có thể Hàn Tín là quý tộc. Nhưng khẳng định một điều là: gia đình Hàn Tín sa sút, trong thời gian nhà Tần thống trị, Hàn Tín rất nghèo. Nghèo đến độ như thế nào? Hàn Tín không có cơm ăn. Không có cơm ăn, Hàn Tín đi lang thang kiếm cơm ăn, xem nhà ai có cơm thì đến đó ăn ké.
Có một địa điểm xin ăn là trong nhà của Hạ Hương đình trưởng. Hạ Hương là tên địa danh, còn đình trưởng, thời cổ đại cứ 10 dặm xây một cái đình (để mọi người khi từ biệt thì đến đó uống rượu chia tay), Lưu Bang là Tứ Thuỷ đình trưởng, tương đương cán bộ cấp cơ sở. Vốn dĩ địa vị của Lưu Bang không cao, bởi vì đình trưởng là chức quan nhỏ. Hạ Hương đình trưởng cũng không khác mấy với Lưu Bang.
Hàn Tín đến nhà của Hạ Hương đình trưởng để ăn ké cơm, một lần như vậy kéo dài mấy tháng. Hàn Tín ngày nào cũng đến, hễ người nhà họ ăn cơm thì Hàn Tín đến, cho nên vợ của Hạ Hương đình trưởng cảm thấy phiền. Sau này mọi người nói: ‘Vậy phải làm sao?’, họ quyết định ăn cơm trước đó. Ăn như thế nào? Hễ sáng sớm đã làm cơm xong, họ đã ăn cơm trước, sau đó mới dậy khỏi giường. Đây gọi là ‘Thần xuy nhục thực’ (晨炊蓐食: sáng sớm thổi cơm, sau đó ăn trên giường), khi chưa ra khỏi giường thì đã ăn xong rồi.
Hàn Tín tới đó xin cơm, muốn ăn nhưng thấy cơm không còn, người nhà của Hạ Hương đình trưởng đã ăn cơm xong rồi. Hàn Tín hiểu ra: ‘Họ không muốn cho mình ăn cơm’. Hàn Tín tức giận, tuyệt giao với Hạ Hương đình trưởng, không quan tâm ông ấy nữa. Từ đó trở đi Hàn Tín không đến nữa. Nhưng vấn đề cơm ăn vẫn chưa được giải quyết, vậy phải làm sao?
Hàn Tín đến bờ sông câu cá, câu không được nhiều nên vẫn chưa đủ no. Khi đó bờ sông có rất nhiều bà lão đang giặt đồ vải bông, cho nên gọi là ‘phiếu mẫu’ (漂母: bà lão giặt đồ). Khi phiếu mẫu giặt đồ đều mang theo cơm ăn, trong số đó có một người thấy Hàn Tín ‘tuổi thì còn trẻ, người thì cao lớn’, mà không có cơm ăn thật đáng thương, liền đưa cơm của mình cho Hàn Tín ăn. Hàn Tín đã ăn cơm của phiếu mẫu.
Một mạch mấy chục ngày như vậy, mỗi lần phiếu mẫu đến giặt đồ, đều cho Hàn Tín một phần cơm. Sau này bà lão nói với Hàn Tín: ‘Ta đã giặt xong, ngày mai không tới nữa’. Hàn Tín nói: ‘Bà đã cho tôi ăn cơm mấy chục ngày, đối với tôi là ân đức không gì lớn bằng, tương lai nhất định sẽ báo đáp bà thật tốt’. Phiếu mẫu nói: ‘Đại trượng phu, cơm còn không có mà ăn, nói gì đến chuyện báo đáp hay không báo đáp’. Phiếu mẫu liền bỏ đi.
Từ câu chuyện của Hàn Tín, chúng ta có thể thấy rằng, Hàn Tín có sự cứng cỏi, ‘ông không cho tôi xin cơm thì tôi không đến nữa, tuyệt giao’, đồng thời Hàn Tín còn có phong thái của hiệp sĩ ‘có ân phải báo, ngàn vàng báo đức’, ‘tương lai tôi nhất định báo đáp bà’. Từ đó thấy rằng Hàn Tín có khí chất quý tộc thời cổ đại.
Tuy nhiên khí chất quý tộc hay sự cứng cỏi đó, người bình thường không hiểu được, cũng nhìn không quen, cho nên Hàn Tín rất nhanh sau đó đã gặp phiền phức.
Khi ấy nơi Hàn Tín ở có một ‘đồ hộ’ (屠戶: nhà làm nghề đồ tể), giết heo giết chó, người của nhà đó có một thiếu niên. Cậu thiếu niên này nhìn Hàn Tín rất tức giận, ‘không làm việc mà suốt ngày mang kiếm, hắn muốn làm gì vậy’.
Thế là đến một ngày, anh ta chặn đường Hàn Tín nói: ‘Ta thấy ngươi thân thể cao lớn, lại mang bảo kiếm, nhưng thực ra là kẻ nhát gan. Nếu ngươi là kẻ to gan thì hãy giết ta đi. Nếu ngươi là kẻ nhát gan thì hãy chui háng ta’. Khi đó những người xung quanh xếp thành từng vòng từng vòng nhìn Hàn Tín.
Phản ứng khi ấy của Hàn Tín là gì? Trong Sử ký chép rằng Hàn Tín “Thục thị chi” (孰視之: nhìn thật lâu), nghĩa là mở mắt nhìn người này rất lâu, rất kỹ, mặt không tức giận, không biểu đạt thái độ gì, Hàn Tín chính là đang suy nghĩ… Sau đó Tín cúi đầu chui qua háng của kẻ vô lại kia. Những người xung quanh cười ầm lên. Mọi người đều nói: ‘Hàn Tín là kẻ nhát gan’.

Nhưng từ phản ứng của Hàn Tín mà nhìn, kỳ thực Hàn Tín không phải là kẻ nhát gan. Thông thường người ta khi gặp tình huống như thế đều bạo nộ, bởi vì ‘anh ta vũ nhục nhân cách của tôi’. Nhưng Hàn Tín không chút tức giận, vô cùng bình tĩnh nhìn người ấy mà cân nhắc suy tính: Nếu chui thế nào, không chui sẽ ra sao, cân nhắc lợi hại, cân nhắc xong thì quyết định chui háng. Cho nên Hàn Tín có đặc trưng là vô cùng lý tính. Tính cách lý tính này sau này đã cứu Hàn Tín một mạng.
Chúng ta biết rằng làm một đại tướng quân, phải thời thời khắc khắc bảo trì đầu não thanh tỉnh và lý tính, tuyệt không để cảm tình chi phối. Nếu khi đó người ta đứng lên đánh, hoặc tuốt kiếm hạ sát cậu thiếu niên đó, điều này nghĩa là họ đã bị cảm tình chi phối. Mà là một tướng quân, bạn không thể bị cảm tình chi phối để đưa ra quyết định trên chiến trường.
Sau này con trai của Tô Tuân là Tô Thức (tức Tô Đông Pha) từng có một đoạn lời miêu tả rất chuẩn tâm thái của Hàn Tín khi đó. Đương nhiên Tô Thức đã viết một loạt bài chính luận, trong đó có một loạt miêu tả Lưu Hầu Trương Lương.
Chúng ta biết rằng Trương Lương từng ‘Di Kiều tiến lý’ (圯橋進履: Trương Lương lấy giày cho Hoàng Thạch Công, sau đó được truyền Binh pháp). Khi đó Trương Lương bị ông lão (Hoàng Thạch Công) vũ nhục, Trương Lương vẫn ‘tâm bình khí hoà’ mà làm việc đấy (lượm giày rồi mang cho ông lão), cho nên Tô Thức đã giảng một câu trong ‘Lưu Hầu luận’ rằng:
Người xưa gọi kẻ sĩ anh hùng hào kiệt, ắt có thứ vượt hẳn người thường. Kẻ mà cảm tình không thể nhẫn, như ‘thất phu chịu nhục’, ‘rút kiếm tương đấu’ với người, đây không phải là ‘dũng’. Thiên hạ có kẻ dũng, lâm vào hiểm cảnh mà không kinh, chịu nhục vô cớ mà không nộ, bị kẻ cường bạo bắt chẹt mà không phản ứng, ấy là người có chí hướng cao xa.

Kẻ thất phu bị vũ nhục, sẽ lập tức rút kiếm đánh nhau, ‘thất phu chịu nhục, rút kiếm tương đấu’, Tô Thức cho rằng đây không phải hành vi của người dũng cảm. Một người đột nhiên bị vũ nhục hoặc khảo nghiệm rất lớn, mà có thể bảo trì một tâm thái bình hoà, trong tâm ôm giữ chí hướng cao xa, họ mới có thể khống chế cảm tình của mình.
‘Khố hạ thụ nhục’ (胯下受辱: dưới háng chịu nhục, chịu nhục chui háng) đã triển hiện cái tâm đại nhẫn hơn người của Hàn Tín. Tố chất tâm lý này sau đó đã cứu Hàn Tín một mạng, đồng thời cũng khiến vận mệnh của ông chuyển hướng, đây rốt cuộc là chuyện gì, kính mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo.
Mạn Vũ
Chú thích:
(*) Link ‘Tiếu đàm phong vân’ phần 2 tập 12: Quốc sĩ vô song (國士無雙: quốc sĩ có một không hai).
(**) Ảnh trong bài chụp từ ‘Tiếu đàm phong vân’ phần 2 tập 12
.
DKN