Các nhà lãnh đạo tối cao trước đây của ĐCSTQ đều rất coi trọng Cục Cảnh vệ Trung ương, coi việc kiểm soát Cục Cảnh vệ Trung ương là ưu tiên hàng đầu. Cơ cấu này có gì lợi hại?
Xin chào quý vị độc giả, chào mừng đến với “Trăm Năm Chân Tướng“!
Kể từ khi ĐCSTQ kiến chính, các nhà lãnh đạo tối cao kế tiếp nhau, từ Mao Trạch Đông đến Tập Cận Bình, đều rất coi trọng Cục Cảnh vệ Trung ương, coi việc kiểm soát Cục Cảnh vệ Trung ương là ưu tiên hàng đầu.
Điểm lợi hại của cơ cấu này là gì? Hôm nay, chúng ta hãy tìm hiểu sâu hơn về một số vấn đề của Cục Cảnh vệ Trung ương.
Cục Cảnh vệ Trung ương làm gì?
Cục Cảnh vệ Trung ương tên đầy đủ là Cục Cảnh vệ thuộc Văn phòng Trung ương ĐCSTQ, là cơ cấu quan trọng nhất dưới sự lãnh đạo trực tiếp của chủ nhiệm Văn phòng Tổng hợp Trung ương. Từ góc độ hệ thống quân đội mà nói, Cục Cảnh vệ Trung ương trực thuộc Bộ Tham mưu Liên hợp Quân ủy Trung ương, còn được gọi là Cục Cảnh vệ Bộ Tham mưu Liên hợp Quân ủy Trung ương.

Trách nhiệm chủ yếu của Cục Cảnh vệ Trung ương là gì? Nó chịu trách nhiệm bảo vệ sự an toàn nhân thân của các “quan cao cấp nhà nước” của ĐCSTQ.
Khái niệm “quan cao cấp nhà nước” của ĐCSTQ là gì? Nó đề cập đến các quan chức cấp cao nhất của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, bao gồm tổng bí thư hiện nhiệm, chủ tịch quốc gia, chủ tịch Quân ủy Trung ương, chủ tịch Chính hiệp Toàn quốc, thường ủy Bộ Chính trị, người từng là thường ủy Bộ Chính trị, phó chủ tịch quốc gia; cho đến các thường vụ Bộ Chính Trị đã nghỉ hưu của ĐCSTQ.
Tóm lại, Cục Cảnh vệ Trung ương là một cơ quan an ninh chịu trách nhiệm về sự an toàn của các quan chức hàng đầu của ĐCSTQ. Theo cách này, tầm quan trọng của nó là hiển nhiên.
Kiểm soát Cục Cảnh vệ Trung ương là kiểm soát sinh tử của các quan chức hàng đầu ĐCSTQ
Vậy lãnh đạo tối cao của ĐCSTQ kiểm soát Cục Cảnh vệ Trung ương như thế nào?
Chủ yếu thông qua hai cách: một là nắm chặt chiếc mũ đen của Cục trưởng Cục Cảnh vệ Trung ương trong tay, để người này trung thành với mình; hai là thông qua chủ nhiệm Văn phòng Tổng hợp Trung ương ra lệnh cho Cục Cảnh vệ Trung ương.
Chừng nào cục trưởng Cục Cảnh vệ Trung ương và chủ nhiệm Văn phòng Tổng cục Trung ương còn là thân tín đắc lực của mình, thì các nhà lãnh đạo tối cao của ĐCSTQ có thể đảm bảo an toàn cho chính họ ở mức độ lớn nhất. Đồng thời, một trọng điểm khác lại đến, nó có thể nắm trong tay sinh tử của các thủ hạ là “quan cao cấp nhà nước”. Tại sao nói như vậy?
Tương Tân Kỳ, cựu thường ủy Ủy ban Thành phố Trường Sa của ĐCSTQ và bí thư Thành ủy của ĐCSTQ, trước sau đã năm lần, vào đêm trước Tết Nguyên Đán, đến Bắc Kinh thăm Hoa Quốc Phong, lãnh đạo tối cao của đảng, chính phủ và quân đội. Ông đã viết trong hồi ký “Lắng nghe những sự kiện chưa biết trong quá khứ của Hoa Quốc Phong”, rằng khi ông đến thăm Hoa Quốc Phong lần thứ năm vào ngày 12 tháng 1 năm 2005, Hoa Quốc Phong đã giới thiệu về chế độ cảnh vệ của ĐCSTQ cho ông nghe.
Hoa Quốc Phong nói: “Hệ thống Cảnh vệ của chúng ta là lãnh đạo thống nhất. Các cảnh vệ viên chịu trách nhiệm về sự an toàn của thủ trưởng, ngoài ra phải chịu sự chỉ đạo của Cục Cảnh vệ Trung ương. Khi chỉ thị của thủ trưởng mâu thuẫn với Cục Cảnh vệ Trung ương, cần phải vô điều kiện chấp hành mệnh lệnh của Cục Cảnh vệ Trung ương. Khi thủ trưởng ra ngoài, cảnh vệ viên phải hàng ngày báo cáo về sự an toàn và hành tung của thủ trưởng cho Cục Cảnh vệ Trung ương. Khi khai hội, cảnh vệ viên sẽ hộ tống thủ trưởng đến địa điểm hội nghị, điều đầu tiên cần làm là giao nộp súng cho lính gác tại hội nghị, để lại đó, thủ trưởng họp xong thì lấy lại súng.”
Mọi người đã nghe ra chưa? Chúng tôi xin phiên dịch rõ ràng hơn:
Thứ nhất, cảnh vệ của Cục Cảnh vệ Trung ương không chịu sự kiểm soát của thủ trưởng mà họ bảo vệ, cho dù thủ trưởng là quan cấp nhà nước, nhưng cảnh vệ chỉ là binh sĩ phổ thông, họ chỉ tuân theo mệnh lệnh của Cục Cảnh vệ Trung ương. Nếu Cục Cảnh vệ Trung ương ra lệnh bắt chính thủ trưởng mà họ đang bảo vệ, súng của họ sẽ không ngần ngại nhắm vào mục tiêu.
Thứ hai, các cảnh vệ của Cục Cảnh vệ Trung ương cũng có trách nhiệm theo dõi tung tích của thủ trưởng, báo cáo kịp thời cho Cục Cảnh vệ Trung ương.
Thứ ba, khi thủ trưởng rời khỏi trụ sở hoặc văn phòng công đến họp ở Trung Nam Hải, Đại lễ đường Nhân dân, hay khách sạn Kinh Tây, v.v., cảnh vệ phải giao nộp súng tại địa điểm hội nghị, chờ ở trong phòng nghỉ ngơi của cảnh vệ đợi lệnh. Và vận mệnh của thủ trưởng trong hội trường là do cảnh vệ hội trường của Cục Cảnh vệ Trung ương. Nếu Cục Cảnh vệ Trung ương ra lệnh cho cảnh vệ hội trường bắt giữ một thủ trưởng nào đó, họ sẽ lập tức thi hành.
Từ góc độ này mà xét, Cục Cảnh vệ Trung ương không là một cơ cấu đảm bảo an toàn đơn thuần.
Khi Mao Trạch Đông còn sống, ông ta đã bổ nhiệm thân tín của mình là Uông Đông Hưng làm chủ nhiệm Văn phòng Trung ương và cục trưởng Cục Cảnh vệ Trung ương. Theo cách này, các quan chức hàng đầu của ĐCSTQ đương thời đều nằm dưới sự giám sát chặt chẽ của Cục Cảnh vệ Trung ương do Uông Đông Hưng đứng đầu.

Đặng Tiểu Bình trở lại nắm đại quyền sau khi “Cách mạng Văn hóa” kết thúc, không đảm nhiệm chức chủ tịch Ủy ban Trung ương, thủ tướng Quốc vụ viện hay chủ tịch quốc gia, mà ông ta giữ chức chủ tịch Quân ủy Trung ương, nắm lấy quyền lực quân sự, cũng chính là nắm chắc nòng súng trong tay mình.
Đặng Tiểu Bình chuyển Cục Cảnh vệ, ban đầu thuộc Văn phòng Tổng hợp Trung ương, sang Quân ủy Trung ương dưới sự kiểm soát của ông ta, và đưa thân tín của ông ta là Dương Đức Trung đảm nhiệm chức chủ nhiệm Cục Cảnh vệ Trung ương. Dương Đức Trung còn kiêm nhiệm phó chủ nhiệm Văn phòng Tổng hợp Trung ương, có thể nắm bắt mọi động thái.
Đặng Tiểu Bình thông qua thủ đoạn này đã kiểm soát sự an toàn cá nhân của Trần Vân, Dương Thượng Côn, Tập Trọng Huân và các nguyên lão khác của ĐCSTQ, cũng như hai tổng bí thư kế tiếp của Trung ương ĐCSTQ là Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương trong tay của chính mình. Vì điều này, không quan cao nào dám khiêu chiến với Đặng Tiểu Bình.
Sau khi Đặng Tiểu Bình qua đời, Giang Trạch Dân thân kiêm tổng bí thư Trung ương ĐCSTQ, chủ tịch quốc gia, chủ tịch quân ủy trung ương, chuyển Cục Cảnh vệ Trung ương từ Quân ủy Trung ương thành Văn phòng Tổng hợp Trung ương, từ đó đến nay, tình trạng này vẫn không thay đổi.
35 phút truy bắt “Tứ nhân bang”
Vụ việc nổi tiếng nhất trong đó nhà lãnh đạo tối cao của ĐCSTQ thông qua chủ nhiệm Văn phòng Trung ương và cục trưởng Cục Cảnh vệ Trung ương tiêu diệt các đối thủ chính trị, chính là vụ bắt giữ bè lũ bốn tên “Tứ nhân bang”.
Ngày 9 tháng 9 năm 1976, Mao Trạch Đông qua đời. Sau đó, xoay quanh việc ai là người nắm quyền lực cao nhất của ĐCSTQ, cuộc đấu tranh nội bộ của ĐCSTQ đã phát hỏa.
Vào ngày 6 tháng 10 năm 1976, người kế vị do Mao Trạch Đông chỉ định trước khi qua đời, Hoa Quốc Phong, khi đó là phó chủ tịch thứ nhất Trung ương, và Diệp Kiếm Anh, nguyên soái của ĐCSTQ, ngồi trong Hội trường Hoài Nhân ở Trung Nam Hải, còn Uông Đông Hưng, khi đó là chủ nhiệm Văn phòng Trung ương và cục trưởng Cục Cảnh vệ Trung ương, chỉ huy thủ hạ nhân mã, phân công hành động, bắt giữ toàn bộ bè lũ bốn tên “Tứ nhân bang”.
Trước đó, Uông Đông Hưng đã chỉ thị cho Văn phòng Tổng hợp Trung ương phát thông tri, mời Vương Hồng Văn và Trương Xuân Kiều, thường ủy Bộ Chính trị ĐCSTQ, tham dự hội nghị thường ủy Bộ Chính trị tại Hoài Nhân đường lúc 8 giờ tối để thảo luận về việc xuất bản tập thứ năm của “Mao Trạch Đông tuyển tập”. Vì Diêu Văn Nguyên không phải là thường ủy Bộ Chính trị, mà là ủy viên Bộ Chính trị chủ quản hình thái ý thức, nên thông tri đặc biệt đề cập rằng cuộc họp có thể liên quan đến việc sửa đổi bản thảo của Mao Trạch Đông, mời Diêu Văn Nguyên tham dự.
Đêm đó, người đầu tiên đến là Vương Hồng Văn, người thứ hai là Trương Xuân Kiều, người thứ ba là Diêu Văn Nguyên.
Sau khi họ đến Hoài Nhân đường, Ổ Cát Thành, khi đó là phó chủ nhiệm Cục Cảnh vệ Trung ương, ngay lập tức sắp xếp ba lính canh nghỉ ngơi trong năm căn phòng ở phía nam Hoài Nhân đường, đồng thời tuyên bố ba kỷ luật với họ: Thứ nhất, họ không được phép rời khỏi Hoài Nhân đường; Thứ hai, không được phép giao tiếp với người ngoài, nói chuyện điện thoại; Thứ ba, không được làm ồn.

Ô Cát Thành sau đó nhớ lại: “Trong các cuộc họp trước đây, tôi thường đảm nhận vai trò này, chỉ định những người này đứng ở vị trí nào và tuyên bố kỷ luật. Họ luôn phục tùng chỉ thị của tôi. Vào ngày hôm đó, những gì tôi nói với họ không giống như trước, có một sự khác biệt lớn, nhưng những người này không cảm thấy bất kỳ sự khác biệt nào so với ngày thường.”
Sau khi Vương Hồng Văn bước vào Hoài Nhân đường, ông ta lập tức bị bắt bởi cảnh vệ hội trường của Cục Cảnh vệ Trung ương đang mai phục bên trong. Ông ta giãy giụa một chút, nhưng nhanh chóng bị khuất phục. Sau đó, Hoa Quốc Phong tuyên bố với ông ta: “Vương Hồng Văn, bất chấp những lời cảnh cáo nhiều lần của trung ương, anh vẫn tiếp tục lập bang kết phái, tiến hành các hoạt động phi pháp, âm mưu soán đảng đoạt quyền… Trung ương ĐCSTQ quyết định thực hiện cách ly thẩm tra đối với anh, lập tức chấp hành.”
Công bố xong, Vương Hồng Văn được hộ tống đến chiếc xe cờ đỏ đã đợi ở phía đông của Hoài Nhân đường.
Sau đó, Trương Xuân Kiều bước vào Hoài Nhân đường, bị bắt trói ngay lập tức. Sau khi Hoa Quốc Phong thông báo cho ông quyết định “cách ly thẩm tra”, ông ta cũng bị áp giải ra ngoài.
Người đến cuối cùng là Diêu Văn Nguyên, vừa bước vào phòng chờ phía đông của Hoài Nhân đường, ông ta đã bị những cảnh vệ hội trường đang mai phục bên trong bắt giữ. Ngô Kiến Hoa, phó chủ nhiệm Cục Cảnh vệ Trung ương, đã đọc cho ông ta nghe “lệnh cách ly thẩm tra” đối với ông ta do Hoa Quốc Phong ký. Sau đó, Diêu Văn Nguyên cũng bị áp giải ra ngoài.
Ở phía bên kia, Trương Diệu Từ, phó chủ nhiệm Cục Cảnh vệ Trung ương và những người khác đã dẫn người đến Tòa nhà số 201 Xuân Ngẫu Trai, Trung Nam Hải, để bắt vợ của Mao Trạch Đông, Giang Thanh.
Trước khi hành động, Uông Đông Hưng đã thông báo cho Chu Kim Minh, cảnh vệ phụ trách an toàn của Giang Thanh, về kế hoạch bắt giữ, yêu cầu Chu Kim Minh nói với y tá Mã Hiểu Tiên, người phụ trách chăm sóc sức khỏe của Giang Thanh, để phối hợp hành động, giữ bí mật tuyệt đối.
Khi Trương Diệu Từ và những người khác đến, Chu Kim Minh đã chủ động giao nộp vũ khí của mình, sau đó cùng với Mã Hiểu Tiên dẫn họ đến phòng của Giang Thanh để thực hiện nhiệm vụ bắt giữ.
Theo hồi ức của Mã Hiểu Tiên, sau khi Trương Diệu Từ tuyên bố “cách ly thẩm tra”, Giang Thanh rất bình tĩnh và không chống cự, bà ta chỉ hỏi “Có thể đọc lại không”, sau đó viết hai bức thư và niêm phong chúng, rồi bị đưa vào một chiếc xe cờ đỏ.
Võ Kiến Hoa và Ổ Cát Thành sau đó đã tiết lộ, toàn bộ chiến dịch truy bắt “Tứ nhân băng” chỉ diễn ra trong 35 phút, không hề nổ một phát súng nào.
Thái Kỳ rất tàn nhẫn
Hãy kéo thời gian trở lại ngày 20 tháng 3 năm 2023. Ngày hôm đó, ĐCSTQ đã thông báo: Thái Kỳ, thường ủy Bộ Chính trị, bí thư Ban Bí thư Trung ương, sẽ kiêm nhiệm chủ nhiệm Văn phòng Trung ương. Tiếp theo, Thái Kỳ sẽ có thể ra lệnh cho Cục Cảnh vệ Trung ương.
Tại sao Tập Cận Bình chọn Thái Kỳ? Người đàn ông này có một số đặc điểm. Đầu tiên, ông ta là một trong những thân tín quan trọng nhất của Tập, đã làm việc với Tập ở Phúc Kiến và Chiết Giang trong 20 năm. Thứ hai, ông ta là một nhân vật rất ác ôn.

Khi ông ta còn là Bí thư Thành ủy Bắc Kinh, một video bài phát biểu của Thái Kỳ đã được lan truyền rộng rãi trên Internet, ông ta nói: “Khi (cán bộ lãnh đạo) đến cơ sở, phải có dao thật súng thật, chính là cần cứng rắn như lưỡi lê chích ra máu, chính là dám đương đầu với khó khăn, chính là dám giải quyết vấn đề!” Sau đó, ông ta bổ sung thêm một câu đổ dầu vào lửa: “Mọi người phải chặt cái tay đi.”
Mười năm kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền đã luôn bị bao phủ bởi đám mây đen chính biến. Những tin đồn về việc mắng Tập, phản Tập, lật đổ Tập và chính biến vẫn tiếp tục không ngừng, Tập Cận Bình có khả năng sử dụng vai trò tàn nhẫn của Thái Kỳ để ngăn chặn và giám sát các quan chức cấp nhà nước hiện nhiệm và đã nghỉ hưu, ngăn chặn họ tham gia vào một cuộc đảo chính.
Mời quý vị xem video gốc tại đây.
Theo Epoch Times
Mộc Lan biên dịch
Nếu quý vị thấy bài viết hay và bổ ích, vui lòng chia sẻ cho nhiều người cùng xem. Người xưa nói: ‘Hành thiện đắc thiện báo’, thiện cử của quý vị có thể lan tỏa phúc lành, giúp thế giới tốt đẹp hơn.
DKN