Tất cả các nền văn minh xuyên suốt tiến trình lịch sử nhân loại đều coi trọng dịp lễ đầu năm mới, bởi đây chính là thời khắc đánh dấu vạn vật canh tân. Ở phương Tây, mọi người sẽ chủ động vạch ra định hướng nhằm hoàn thiện bản thân, thông thường bắt đầu từ “tháng giêng giới tửu” (dry January 1), hoặc thử nghiệm sang một chế độ dinh dưỡng mới, hoặc lên kế hoạch rèn luyện sức khỏe nhằm cải biến thân thể. Đây là dịp mọi người gửi gắm những lời nguyện ước, đặt hy vọng vào một năm mới vạn sự an lành, tốt đẹp hơn.
Có một điều thú vị rằng, vào thời điểm kết thúc của tháng đầu tiên trong năm – tháng giêng, những người theo đạo Thiên chúa sẽ tưởng nhớ về câu chuyện “sự hoàn thiện bản thân” vĩ đại nhất trong Thánh kinh, đó là câu chuyện “sự cải đạo của Sau-lơ”.
Một bức tranh để đón chào năm mới bình an
Sự cải đạo của Sau-lơ là một đề tài được hoan nghênh trong suốt tiến trình hình thành và phát triển nghệ thuật, điều này được thể hiện thông qua các tác phẩm hội họa, điêu khắc cũng như trên nhiều phương diện truyền tải văn hóa khác. Một trong những cách giải thích hợp lý nhất cho luận điểm này chính là bức tranh do Caravaggio2 chấp bút vào năm 1600 với chủ đề vương cung thánh đường Đức Mẹ của giáo dân Rôma (nhà thờ Santa Maria del Popolo tại La Mã).

Bức tranh được sáng tác dưới chỉ lệnh của Tiberio Cerasi, ông là người nắm giữ quyền lực chỉ sau Giáo hoàng Clement VIII, bức họa sau khi hoàn thiện được trưng bày trong nhà thờ lớn nhất tọa lạc tại cổng phía bắc thành phố, nơi mà những người La mã thường xuyên hành hương qua lại. Năm 1600 là một năm ngập tràn niềm vui hân hoan3 đối với người dân Rôma, những người đến viếng thăm “thành phố vĩnh hằng” sẽ nhận được một ân điển đặc biệt, hơn một triệu người đã thực hiện cuộc hành hương – họ phải đi bộ suốt một chặng đường khó khăn mới có thể hoàn thành, với mục đích tìm kiếm sự cứu rỗi và tái sinh; mà điều đang chờ đón họ, chính là tư duy trực quan hình tượng của Caravaggio đối với việc khích lệ nhân tâm, truyền cảm hứng nhất trong lịch sử “tái khởi động cuộc sống” (existential reboot)
Từ Sau-lơ đến Phao-lô
Căn cứ theo cuốn “Sứ đồ hành truyền” (được Thánh Paul thuật lại dựa theo hồi ức), mọi sự việc ngay từ khi bắt đầu đã không mấy tốt đẹp. Sau-lơ là một người Do Thái đến từ Tarsus (ngày nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ), xuất hiện lần đầu trong “Thánh kinh” khi ông đứng tránh sang một bên vào thời điểm mà Do thái công hội (tòa công luận- Sanhedrin4) ném đá vào Thánh Stephen tới chết. Với tư cách là một công dân La Mã, cũng là thế hệ được thụ hưởng nền giáo dục từ những người Pha-ri-si (Phari-si5), Sau-lơ đã được các trưởng lão trong Thánh điện giao cho quyền bắt giữ các tín đồ, cả nam và nữ, nhằm tiêu diệt Cơ đốc giáo còn non trẻ.
Trên đường đến Damascus để lùng bắt thêm những tín đồ Cơ đốc giáo khác (ông ta cho rằng những người này là tội phạm), ông đã được gặp Chúa Giê-su. Chúa Giê-su gọi tên ông: “Sau-lơ, Sau-lơ, người vì điều gì mà bức ép ta?” Cuộc gặp gỡ bất ngờ này đã gây nên một cú sốc lớn đối với ông ta, trong vòng ba ngày “ánh mắt dường như vô hồn, không ăn cũng không uống”6, nhưng một lần nữa ông vực dậy tinh thần, trở thành một con người hoàn toàn mới: Phao-lô, tông đồ của Chúa. Cuối cùng những bức thư của ông dường như chiếm đến gần một phần ba kinh “Tân Ước”. Ông ta sẽ thực hiện sứ mệnh vượt qua quãng đường hàng chục ngàn dặm, mang theo thông điệp của hy vọng và sự cứu rỗi đến một đế chế lãnh khốc và hà khắc7, trước khi bị chém đầu và tử vì đạo tại Rome.
Sự thành công của Caravaggio
Trên bức tường bên cạnh nhà nguyện cherasi trong vương cung thánh đường Đức Mẹ của giáo dân tại Rome, Caravaggio đã vẽ bức “Thánh Peter bị đóng đinh ” (Crucifixion of Saint Peter) và “Sự cải đạo trên đường đến Damascus”, tuy nhiên ở khu vực chính điện ( ở giữa) là bức tranh “Đức Mẹ thăng thiên” (Assumption of the Virgin) được vẽ bởi họa sĩ nổi tiếng nhất của Rome là Annibale Carracci.
Đối với Caravaggio mà nói, sự ủy thác lần này là cơ hội để ông một lần nữa nhìn nhận lại bản thân trên phương diện nghệ thuật. Mười năm trước ông di chuyển từ Milan đến Rome, nhưng vì chưa từng học qua các kỹ thuật bích họa mà Michelangelo và Raphael đã khẳng định tên tuổi của mình thông qua các kĩ năng đó, cũng như không nắm vững kỹ năng về hội họa giống như hai bậc thầy nói trên, nên ông dường như chỉ có thể làm công việc của một trợ lý trong xưởng vẽ, tạo dựng hình vẽ về trái cây, hoa cỏ và khung cảnh trong nhà, nhưng những bức tranh này vĩnh viễn không bao giờ có thể giúp ông chạm tay đến vinh quang.
Trong khi vị họa sĩ gia Milan này vẫn đang tiến hành thực hiện hạng mục ủy thác cộng đồng đầu tiên mà anh ta tiếp nhận – Nhà thờ Thánh Louis8, Cerassi đã trực tiếp liên hệ với anh. Và đồng hành với Caravaggio tiếp tục đảm trách công tác chuẩn bị cho ra đời một hạng mục ủy thác khác vào cùng năm đó, bước ngoặt quan trọng nhất trong cuộc đời ông cuối cùng cũng xuất hiện.
Công việc được ủy thác lần này quả thực đã đặt lên vai ông một gánh nặng rất lớn. Caravaggio sẽ được phác họa trên bức tường hai bên sảnh chính của nhà thờ, đó là: “Cải đạo trên đường đến Damascus” và “Khổ nạn của Thánh Peter” (Crucifixion of Saint Peter), trong khi đó bức tranh tại vị trí trung tâm của gian Thánh trong nhà thờ sẽ do họa sĩ nổi tiếng nhất của Rome là Annibale Carracci phác họa. Sự thành thục về kĩ thuật trong hội họa chuyên nghiệp của Carracci, thêm vào đó là sự phối hợp hoàn hảo trong màu sắc đã tạo nên một hiệu ứng rực rỡ về tổng thể cho bức tranh “Đức Mẹ thăng thiên” (Assumption of the Virgin), nhất định sẽ khiến cho người xem cũng như các nhà phê bình nghệ thuật khi đến La Mã phải tán thưởng không ngớt, đồng thời cũng thỏa lòng mong mỏi của người hành hương khi đến với thành phố vĩnh hằng.
Thêm vào đó, lần duy nhất mà hai kiệt tác “Sự cải đạo của Sau-lơ” và “Khổ nạn của Thánh Peter” được trưng bày cùng nhau là vào khoảng thời gian cách đó 50 năm do Michelangelo thực hiện tại Vatican. Tên đệm của Caravaggio cũng là Michelangelo; nếu như thật sự phải đối diện với người tiền bối nổi danh trùng tên với ông, chắc hẳn trong tâm khảm ông cũng ít nhiều nảy sinh lòng kính úy.
Trong các bức bích họa của bậc thầy Florentine Michelangelo, có vô số nhân vật bay lượn qua lại và lấp đầy những khoàng trống trong bức tranh, trông họ tựa như những mảnh vỡ được tạo ra từ lần gặp gỡ giữa Sau-lơ và Chúa Jesus. Caravaggio không lựa chọn đi theo con đường của các bậc tiền bối, mà tự sáng tạo một phong cách cho riêng mình, ông giảm bớt số lượng nhân vật trong toàn cảnh xuống chỉ còn ba người – Sau-lơ, con ngựa và người hầu. Sau-lơ khoác lên mình giáp trụ của một binh sĩ, đây là một cách tạo hình nhân vật dựa theo mô típ cũ, nhằm mục đích khắc họa tâm lý hiếu chiến của những binh lính khi lùng bắt các tín đồ Cơ đốc, ngược lại con ngựa của anh ta thoạt nhìn dường như có vẻ thiếu sức sống và không được sinh động, nếu như đem so sánh với các con ngựa thuần chủng trong các bức tranh khác cùng chủ đề với vẻ bề ngoài đẹp đẽ, hào nhoáng thì sẽ tạo nên một sự khác biệt to lớn.
Còn về phần người trông ngựa với vẻ ngoài nghèo khó thì dường như được tìm thấy từ một quán rượu vô danh ở Rome. Hình tượng của ba nhân vật bao trọn lấy toàn bộ không gian trong bức tranh, trong đó con ngựa chiến chiếm nhiều diện tích nhất . Vì không có ánh sáng mặt trời rực rỡ hoặc bầu trời trong xanh để chiếu sáng toàn bộ bố cục của bức vẽ, Caravaggio đã sử dụng phong cách nghệ thuật Chiaroscuro nhằm phô diễn nét tương phản mạnh mẽ giữa sáng và tối, thêm vào đó là nét hý kịch mà ông vốn vận dụng trong các tác phẩm hội họa trước đó tại nhà thờ Saint-Louis (còn được gọi là trào lưu nghệ thuật tenebrism). Tính hý kịch trong bối cảnh tương phản đối lập rõ nét được khai triển và lan rộng, lại càng làm nổi bật vị trí khuyết thiếu của một người vắng mặt – chúa Giê-su
Thủ pháp vẽ tranh này từ trước đến nay chưa từng có tiền lệ. Lời kêu gọi của Chúa Giê-su với Sau-lơ là một trong những đoạn nổi tiếng nhất trong “Kinh thánh”, nhưng Caravaggio đã lựa chọn lược bỏ đi nhân vật quan trọng nhất trong câu chuyện. Tuy vậy, khi chúng ta thử so sánh với bức tranh của Michelangelo, có thể thấy được một chút manh mối về sợi dây liên kết giữa hai tác phẩm. Hiện thân Chúa Giê-su trong tác phẩm của Michelangelo xuất hiện trên đỉnh cao nhất của bức họa, phía trên chỗ mà Sau-lơ đã ngã xuống và không thể gượng dậy nổi, đồng thời cũng phóng ra một tia sáng chói lọi. Khi đó chiến mã hoảng sợ vùng vẫy bỏ chạy, những binh lính thì vội vàng tìm đường thoát thân, trong số đó có một người vẫn cố gắng dùng tấm khiên nhằm ngăn cản sức mạnh của thần lực.
Caravaggio lưu giữ lại quang ảnh của luồng ánh sáng mạnh mẽ đó, nhưng lại lược bỏ đi sự hiện diện của Chúa Giê-su, đồng thời ông cũng muốn thông qua ánh hào quang phản chiếu trên gương mặt Sau-lơ, nhằm mục đích âm thầm biểu đạt sự xuất hiện của Chúa. Đó không phải là một loại ánh sáng tự nhiên nào đó giống như mặt trời, mặt trăng hay là phát ra từ ngọn đuốc, mà là một loại ánh sáng thần thánh vượt qua hết thảy mọi thứ, chỉ lưu lại một chút dấu vết trên người Sau-lơ. Con ngựa hoàn toàn không phát giác ra điều đó, kể cả người quản gia của Sau-lơ cũng không hề chú ý đến điều này, hơn nữa mọi người còn kiên nhẫn đợi ông đứng dậy. Caravaggio đã lồng vào trong đó nhiều tầng ý nghĩa. Ông đã miêu tả sự xuất hiện của Chúa Giê-su bắt đầu từ sự le lói của “ánh sáng” và tiến đến “giác ngộ”, cũng có thể là một loai cảm giác minh bạch được tất cả mọi thứ được bắt nguồn từ một tầng thứ rất cao nào đó. Ngay cả “nhìn thấy ánh sáng” cũng có thể được lý giải là: nhận thức được sai lầm của bản thân, hơn nữa cũng chính là phát hiện ra một con đường mới ở phía trước.

Hình tượng Sau-lơ qua sự miêu tả của Caravaggio là một người trẻ tuổi phạm nhiều sai lầm, tuy nhiên ở chính giữa của bức họa ông lại giang hai cánh tay ra và đón nhận lấy một sứ mệnh mới, tương lai đang chờ đón ông ở phía trước là một con đường truyền đạo trong những năm tháng sau này. Caravaggio không lựa chọn phương pháp tạo hình gương mặt của Sau-lơ giống như cách mà các họa sĩ khác đã thể hiện, mà thay vào đó là khiến Sau-lơ trở thành Phao-lô dưới ánh mắt của khán giả.
Ngay cả cách sử dụng màu sắc của Caravaggio cũng rất đặc biệt.
Thoạt nhìn, bức họa này tựa hồ như một bản giao hưởng màu lá cọ: từ bối cảnh đến bộ lông ngựa lốm đốm sặc sỡ và tấm y phục màu vàng nhạt của gia nô. Nhưng khi Caravaggio chấm phá từng ánh hào quang chiếu rọi trên thân thể của Saul, tấm áo giáp ngực chuyển sang màu cam khiến toàn bộ khung cảnh bức tranh trở lên bừng sáng rực rỡ. Sau-lơ nằm trên mặt đất, tựa vào tấm áo bào đỏ tươi, sự hòa quyện của nhiều tổ hợp màu sắc khiến người ta liên tưởng đến những ngọn lửa. Được triệu hoán, tìm thấy giá trị, điều này phải chăng bao chứa nhiều hàm xúc ý vị? Trở thành phiên bản hoàn hảo nhất của bản thân là cảm giác như thế nào? Caravaggio đã thành công trong việc hình tượng hóa một trang nam tử luôn hết mình dồn toàn bộ tâm lực “đốt cháy lên ngọn lửa” hy vọng, tình yêu và vươn tới mục tiêu.
Caravaggio đã lựa chọn lược bỏ đi rất nhiều nhân vật, cùng với đó là cấu trúc tổng thể của bức tranh khi hướng tới sự lưu loát và liền mạch, đồng thời sáng tạo ra một bối cảnh phù hợp để quá trình chuyển đổi có thể dễ dàng tiếp cận hơn. Với cách tiếp cận không quá phô trương, cũng không làm cho người xem cảm thấy kinh ngạc, ông đã mô tả lại thời khắc then chốt nhất khi một người hoàn toàn thay đổi, cảm thấy tin tưởng và giao phó tất cả cho đấng toàn năng. Đó là khi một người nghe thấy tiếng nói từ sâu bên trong tâm khảm của họ , bước từng bước ổn định và vững chắc, thời khắc mà họ bắt đầu đi trên một con đường mới, vinh quang và cao cả hơn.
Ghi chú:
[Chú thích 1] Còn được gọi là “Tháng Giêng không uống rượu”, đây là hoạt động do một tổ chức phúc lợi công cộng của Anh khởi xướng vào năm 2013. Những người tham gia sẽ không uống rượu trong tháng đầu năm, và cuối cùng đã trở thành một phong trào quốc tế, được nhiều nơi hưởng ứng.
[Chú thích 2] Michelangelo Merisi da Caravaggio (Michelangelo Merisi da Caravaggio, 1571-1610), là một họa sĩ người Ý, chủ nghĩa tự nhiên cấp tiến của ông khi kết hợp với nghệ thuật chiaroscuro chuẩn xác, cùng với độ tương phản sáng tối mạnh mẽ vô cùng sống động và mang đậm chất hí kịch đã có ảnh hưởng sâu sắc đến nghệ thuật Baroque mới nổi.
[Chú thích 3] Jubilee (tiếng Anh là Holy year) là một truyền thống của đạo Thiên Chúa, được quy định theo lịch Giáo hội Công giáo. Năm được tuyên bố là Năm Thánh, Đức Giáo Hoàng sẽ mở cửa Thánh của bốn đại thánh đường ở Rôma (Đền thờ Đức Mẹ nằm ở phía bắc) và ban phép đại xá cho tất cả những người hành hương.
[Chú thích 4] Thánh Stephen (St Stephen, năm 5-34) là người tử vì đạo đầu tiên của Cơ đốc giáo. Khi đám đông mọi người dùng đá ném ông, Sau-lơ khi đó còn trẻ tuổi ở bên cạnh trông giữ quần áo.
[Chú thích 5] Người Pha-ri-si là một trong bốn giáo phái chính của Do Thái giáo trong thời kỳ thứ hai của Thánh Điện (516 TCN-70 SCN), nhấn mạnh việc tuân thủ nghiêm ngặt các giới luật của Thánh Mose và bảo tồn các truyền thống của Do Thái giáo.
[Chú thích 6] Xem “Tân Ước. Sứ đồ hành truyền” 9:4, 9:9.
[Chú thích 7] Sứ đồ Phao-lô đã mang Phúc âm truyền đến Châu Âu, ở đây nói về đế chế La Mã.
[Chú thích 7] Nhà thờ Saint-King-Louis là nhà thờ quốc gia của Pháp ở Rome, hiện đang lưu giữ ba bức tranh khổ lớn mang danh tiếng đến cho Caravaggio khi ông mới bắt đầu sự nghiệp là: “Lời kêu gọi của Thánh Matthew “, “Thánh Matthew cùng các thiên sứ” và “Thánh Matthew tử vì đạo”.
Đôi nét về tác giả: Elizabeth Lev là một nhà sử học nghệ thuật người Mỹ, hiện đang giảng dạy, thuyết trình và hướng dẫn tại Rome.
Nguyên văn: Giotto’s Frescoes Foretell Scientific Breakthroughs, xuất bản bằng tiếng Anh “Epoch Times”.
Theo Epoch Time
Quang Toàn lược dịch
DKN