Thời nhà Tống có sách cổ viết: “Văn Xương tướng” vì tiết lộ thiên cơ mà bị giáng xuống nhân gian, ông ấy chính là đại thần Diệp Lý đầu triều Nguyên.
Văn Xương, vốn là tên gọi của tinh cung, là tên gọi chung của sáu ngôi sao làm gáo của chòm sao Bắc Đẩu, gọi là Đẩu Khôi, hay sao Khôi. Các nhà chiêm tinh cổ đại tin rằng nó là cát tinh chủ đại phú quý, Đạo giáo tôn xưng nó là vị Thần chủ tể công danh lộc vị, còn được gọi là “Văn tinh”. Sau khi chế độ khoa cử của nhà Tùy Đường sản sinh, sao Văn Xương được các văn nhân học tử đặc biệt tôn sùng lễ bái, còn có thuyết pháp Văn Xương là “căn bản của khoa cử văn võ tước lộc”.
“Sử ký‧Thiên cung thư” ghi: “Đẩu Khôi đái khuông lục tinh viết Văn Xương cung, nhất viết thượng tướng, nhị viết thứ tướng, tam viết quý tướng, tứ viết ti mệnh, ngũ viết ti trung, lục viết ti lộc.” Thời nhà Tống có sách cổ viết: “Văn Xương tướng” vì tiết lộ thiên cơ mà bị giáng xuống nhân gian, ông ấy chính là đại thần Diệp Lý đầu triều Nguyên.

Diệp Lý, tự Thái Bạch, hiệu Diệc Ngu, người Hàng Châu, sinh sống vào cuối thời nhà Tống và đầu thời nhà Nguyên. Ông từ nhỏ đã có tư chất bất phàm, chính trực cương nghị không hùa theo người, năm 20 tuổi tiến nhập Thái học học tập. Đương thời triều đình nhà Tống khí số đã tận, dưới sự chuyên quyền của ngoại thích Giả Tự Đạo, sớm đã trên dưới bại hoại, nhân tâm chia rẽ. Khi quân Nguyên nam chinh đến Nam Tống, Giả Tự Đạo đã bí mật tự mình đính lập hòa ước với Hốt Tất Liệt, người đang bao vây Ngạc Châu, đồng ý xưng thần và cống nạp cho Mông Cổ. Ông ta còn hoang báo về chiến công ở Ngạc Châu, lừa dối hoàng đế, nhân cơ hội lũng đoạn triều cương. Ông ta cũng sáng lập công điền, lạm phát tiền giấy, trăm họ phải chịu đựng khổ sở, triều đình trên dưới không có ai dám chỉ trích.
Lúc này, Diệp Lý cùng học sinh Quốc tử giám Khương Lệ và 83 người khác đã cùng nhau viết một bức thư trình tấu hoàng đế, chỉ trích Giả Tự Đạo, nói rằng ông ta “biến loạn kỷ cương, độc hại sinh linh, cả Thần và người đều phẫn nộ, xin hoàng thượng trừng phạt”. Giả Tự Đạo biết được Diệp Lý đã khởi thảo bức thư, liền xúi giục thân tín vu cáo Diệp Lý, nguỵ tạo án oan, khiến Diệp Lý bị đày đi Chương Châu. Sau khi Giả Dĩ Đạo bị lật đổ, Diệp Lý mới được tự do.
Sau khi nhà Tống diệt vong, Diệp Lý ẩn cư ở núi Phú Xuân, nhiều lần từ chối lời mời làm giáo thụ quận Châu của quan phủ.

Vào năm Chí Nguyên thứ mười bốn (1277), Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt lệnh cho ngự sử đại phu Tương Uy chủ trì công tác đài ngự sử ở Giang Nam và tiến cử các ẩn sĩ hiền đức của nhà Tống. Tương Uy tiến cử Diệp Lý. Trong tấu chương mà Diệp Lý chỉ trích Giả Tự Đạo câu cuối có nói: “Trận chiến năm trước, là tình cờ được Thiên Thượng trợ giúp, mới có công giữ được một nửa giang sơn của Tống triều.” Thế Tổ đối với câu này rất khen ngợi, hiện tại lại thấy người được tiến cử là Diệp Lý, thì rất cao hứng, lập tức phong cho Diệp Lý là phụng huấn đại phu, đề cử Triết Tây đạo Nho học.
Diệp Lý sau khi nghe chuyện, muốn đi nơi khác ẩn cư, không ngờ sứ thần tuyên chiếu đã tới. Ngoài chiếu chỉ của hoàng đế, còn có một bức thư của tể tướng An Đồng gửi cho ông, trong thư viết: “Tiên sinh trong Tống triều, dùng trung ngôn trực gián được thế nhân tán tụng, hoàng thượng đã ghi nhớ trong tâm, hiện tại đã phong cho tiên sinh làm quan ngũ phẩm. Người hành đức thủ đức nên căn cứ thời cơ mà lựa chọn ẩn thế hay xuất sĩ (làm quan). Nếu ra làm quan, cần tận toàn lực báo đáp ân tao ngộ.”
Diệp Lý đọc xong thư, đã thay đổi ý định lẩn tránh của mình, hướng Bắc bái tạ rồi nói: “Làm quan mà có thể thi hành chủ trương của bản thân, là tâm nguyện của thần, làm sao có thể dám không tiếp thụ chiêu lệnh của hoàng đế.”
Vào năm Chí Nguyên thứ 23 (1286), Nguyên Thế Tổ mời Diệp Lý đến kinh đô, khi triệu kiến ông, liền hỏi về đạo trị quốc an bang. Diệp Lý giảng về nguyên nhân được mất thành bại của các đế vương triều đại. Thế Tổ liên tục gật đầu tán thành, cứ 5 ngày mời ông nhập cung nghị sự một lần. Diệp Lý cũng thượng tấu thỉnh cầu khôi phục các quan phủ quản lý Nho học ở các địa phương vốn đã bị bãi bỏ, điều này có thể “giáo dục chư sinh, giảng rõ đạo trị quốc, hướng Thái học cung cấp bồi dưỡng nhân tài chuẩn bị cho triều đình tuyển dụng”. Nguyên Thái Tô vô cùng tin tưởng.

Đương thời, Nãi Nhan khởi binh chống lại triều đình ở phía bắc, triều đình lệnh cho Lý Đình xuất quân thảo phạt. Lúc đó, hầu hết các tướng lĩnh trong quân đội đều là người Mông Cổ, họ vốn đồng tộc với Nãi Nhan nên không chịu giao chiến. Thế Tổ trong tâm lo lắng, Diệp Lý đã nói với Thế Tổ một phương pháp bí mật, đó là sử dụng quân Hán làm tiền quân đi bộ tác chiến, dùng đại quân xe ngựa để cắt đứt đường lui, như một trận tử chiến. Phiến quân vì khinh địch, tất nhiên không phòng bị. Thế Tổ nói với Lý Đình kế này, quả nhiên ông ấy đã đại thắng phiến quân, Thế Tổ càng tin tưởng Diệp Lý là bậc kỳ tài, mỗi lần sau khi bãi triều, đều nhất định chiêu kiến ông luận sự.
Một năm sau, Thế Tổ bổ nhiệm Diệp Lý làm ngự sử trung thừa kiêm thương nghị trung thư tỉnh sự. Diệp Lý cực lực từ tạ, nhưng ông đề nghị rằng các quan viên của ngự sử đài có thể dùng phương thức thư mật để báo cáo với hoàng đế, và Thế Tổ đã chấp nhận. Không lâu sau đó, nhà Nguyên bắt đầu thành lập thượng thư tỉnh, và Diệp Lý được phong là tư thiện đại phu, thượng thư tả thừa. Diệp Lý muốn từ chối, nhưng Thế Tổ yêu cầu ông không từ chối, và vì ông có bệnh ở chân, ông được ban cho một chiếc xe lớn và nhỏ, để ông có thể ngồi trên xe nhỏ vào cung, sẽ có người chuyên dìu ông đến đại điện.
Diệp Lý không còn từ chối nữa, trong nhiệm kỳ của mình, ông bắt đầu xây dựng Luật tiền giấy nhà Nguyên, thỉnh cầu thành lập Thái học để bồi dưỡng nhân tài. Ông trần thuật với hoàng đế, rằng tất cả các triều đại trong lịch sử đều coi trọng giáo dục, từ đó nhân tài bối xuất, khiến ân đức của thánh thượng đến được với nhân dân. Ông tiến cử mười người, bao gồm Chu Chỉ và những người khác cúng rượu, chế định chế độ quy chương của trường, tất cả đều được Thế Tổ chấp thuận.
Đương thời, Thế Tổ muốn chuyển tông thất và các đại gia tộc của Tống triều ở Giang Nam lên phía bắc, Diệp Lý đã khuyên can, nói: “Nhà Tống đã diệt vong, trăm họ ở đó đã an cư ở quê nhà, bây giờ vô cớ di chuyển, tất sẽ dẫn khởi nghi hoặc, kẻ gian sẽ thừa cơ tạo loạn, đối với quốc gia là bất lợi.” Thế Tổ tỉnh ngộ, từ bỏ kế hoạch này.

Sau đó, Diệp Lý được thăng nhiệm làm thượng thư tả thừa, tư đức đại phu. Trong thời kỳ này, ông kiến nghị giảm miễn thuế ở khu vực Hoài Hà và Chiết Giang khi xảy ra nạn đói, đồng thời vận chuyển ngũ cốc từ Hồ Hoàng và các nơi khác đến để cứu trợ nạn dân; Ông cũng khuyên can Thế Tổ đừng chinh phạt giao chiến nữa. Những gián nghị này của ông đều được Thế Tổ ghi nhận.
Năm Chí Nguyên thứ 25 (1288), Thế Tổ bổ nhiệm Diệp Lý làm bình chương chính sự, nhưng Diệp Lý kiên quyết từ chối, lần này Thế Tổ tôn trọng ý kiến của ông, ban cho ông đai ngọc và 4.000 mẫu điền ở Bình Giang, quan tước thăng lên một cấp. Lúc này, Tang Ca đang là thượng thư tỉnh thừa tướng, muốn thành công nhanh chóng, đã tăng thu thuế, nguy hại bách tính, sau khi bị luận tội đã bị xử tử, rất nhiều đại thần bị liên lụy, Diệp Lý cũng là một trong số đó (vì là đồng sự nên Diệp Lý đã không tìm cách sửa chữa sai lầm của ông ta). Sau đó, Diệp Lý vì bệnh tật, thỉnh cầu được trở về miền Nam.
Vào năm Chí Nguyên thứ hai mươi chín (1292), Diệp Lý lại được Thế Tổ triệu hồi về, giữ chức bình chương chính sự (tương đương với tể tướng) để hỗ trợ thừa tướng Hoàn Trạch quản lý Thượng thư tỉnh. Nhưng ông qua đời không lâu sau đó ở tuổi 51.
Theo “Quý Tân tạp thức”, trước khi chết, Diệp Lý có một giấc mơ, trong mộng thấy một vị tiên ông nói với mình: “Ngài nguyên là thừa tướng Văn Xương tinh, vì tiết lộ thiên cơ mà bị giáng xuống nhân gian. Như nay nghiệp của ngươi đã sửa, sẽ được trở lại Thiên đình phục chức.” Tiên ông còn đưa ông đến hai đại điện Văn Xương Tinh Thông Minh và Đại Minh. Diệp Lý đã viết bốn bài thơ để bày tỏ lòng biết ơn của mình. Khi tỉnh dậy khỏi giấc mơ, Diệp Lý chỉ nhớ được một trong những bài thơ đó:
Thông Minh điện bức tử vi viên,
Nhất đóa hồng vân ủng chí tôn.
Hạ thổ tiểu thần cần kê thủ,
Nguyện tương huệ trạch phổ nguyên nguyên.
Diệp Lý sau đó đã viết một bài thơ mô tả trải nghiệm thần kỳ của mình. Bài thơ tiết lộ bản thân ông đã rơi xuống nhân gian, trải qua những ưu phiền và bệnh tật ở chân, tất cả là do đã tiết lộ thiên cơ, như nay được Thiên đế chiêu hô, trong tâm thập phần hoan hỉ.

Diệp Lý khi còn sống được hoàng đế ban thưởng rất nhiều, gia cảnh lẽ ra phải không tồi, nhưng cuộc sống của ông lại rất đơn giản. Ông từng cáo giới con trai mình: “Nhà ta từ bao đời nay đều là thư hương, cam chịu sống nghèo sống giản, duy chỉ lấy trung nghĩa phụng quân chủ. Chúng ta cần thanh bạch cẩn thận, đừng bôi đen lên mặt ta.” Nói rồi ông chỉ vào những phần thưởng mà nói: “Những thứ này tương lai đều sẽ được trả lại công quỹ.” Sau khi ông qua đời, con trai ông đã giao toàn bộ những thứ này cho quan phủ, không tơ hào chút gì.
Không biết, Diệp Lý sau khi trở về Thiên đình, Văn Xương Tinh tướng hiện tại còn đoái xem các học trò ở nhân gian?
Lưu Hiểu, Epoch Times
Hương Thảo biên dịch
DKN